Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

TRUY TÌM GỐC TỪ "CÀNG" TRONG ĐỊA DANH "CÀNG HƯNG NHƠN" - Nguyễn Thanh Xuân




* Hải Lăng là Huyện cực Nam của tỉnh Quảng Trị, có nhiều CÀNG. Càng là cánh tay nối dài của đơn vị hành chánh dưới  các thôn, làng. Bài viết của Ông Nguyễn Thanh Xuân đáng để cho chúng ta suy ngẫm !

Tác giả Trong lần về quê tháng 8 năm 2012

TRUY TÌM  GỐC TỪ "CÀNG" TRONG ĐỊA DANH "CÀNG HƯNG NHƠN"
   Từ CÀNG là thuần nôm (chữ Hán không có) có hai đồng âm:
   + Càng con cua, càng xe bò… là danh từ
   + Càng học càng biết …là trợ từ
    Từ Càng (Hưng Nhơn…) không có trong nghĩa gốc liệu ta truy tìm tranh luận lấy gì làm căn cứ rồi ai làm trọng tài?
    Do từ Càng khác lạ, nhưng nó ở vị trí này, ta xem nó như  là một đơn vị hành chánh dưới xã: thôn, xóm, phường, ấp, càng…
    Ta thử xem: đến bây giờ những tên gọi làng xã phường thôn ấp xóm…còn lung tung, huống gì thời tiền sử.
    Thử một ví dụ cụ thể: XÃ HẢI HÒA
Trước 1945 xã và làng là đồng cấp (chữ Hán gọi là Xã, dịch ra tiếng Việt gọi là Làng).
   Ở xã (làng) Hưng Nhơn không có thôn mà dưới làng là xóm. Ra đồng ruộng có Càng, lên rừng có Phường.
   Ở xã (làng) An Thơ thì lại đa dạng hơn: Ở làng có phường, có thôn có xóm, ra đồng ruộng có càng An thơ, càng Mỹ Chánh, càng Hội Điền, lên rừng có phường An Thơ tuy ở làng đã có phường.
    Ở Phú kinh cũng na ná vậy.
    Bây giờ, chế độ quản lý hành chánh mới: Xã (gồm nhiều xã cũ), xã cũ gọi là thôn, xóm. Bỏ từ Làng.
   Trở lại nói chữ Càng. Với tôi không nên bàn, nó đã quen gọi, bây giờ cứ thế mà gọi, cũng có thể thành lâp xóm. Như Hưng Nhơn hiện có ba xóm nay thêm một xóm. Thôn Hưng Nhơn có bốn xóm. Tên xóm thì trưng cầu dân ý. Mai đây tình hình thay đổi có thể lên thôn cũng nên. Càng Văn Trị nguyên là Càng của Văn Quỹ nay là thôn Văn Trị đồng cấp thôn Văn Quỹ.
  
   Có một đoạn trong bài viết nói trên là tác giả nghe người cao tuổi làng Hưng Nhơn rằng Càng là nơi cho dân đến lưu trú (ngụ cư) ra đó để bảo vệ và phải làm một số việc theo yêu cầu của chức sắc, từ đó luận ra là bà Giàng Bưng Đá là dân ngụ cư. Bạn ơi! Không phải đâu. Người kể (xin lỗi, ai đó người già) có thể nhớ lẫn lộn, tôi nhắc bạn chú ý rằng người đến lưu trú ở Hưng Nhơn duy nhất là người Họ Võ cách đây dưới 200 năm mà Bà Bưng Đá chia đất giữa các làng cách đây 500 năm. Bà Bưng Đá theo tôi là thế hệ I khai canh ra Làng, sao nghĩ là người ngụ cư!?
   Còn đoạn nói rằng: vùng đất này thật lạ là xã nào cũng có Càng như Mỹ Chánh cách trên 10 km cũng có Càng dưới này. Hóa ra, bạn chưa hiểu lắm về vùng đất này. Mỹ Chánh nguyên là một thôn của An Thơ, bà con trong thôn ra ở ngoài đó (Càng) cho thuận tiện canh tác, khi lên khai phá vùng đất mới, quá trình tụ cư lớn lên nhanh chóng, họ thành lập làng Mỹ Chánh (tách hẳn với làng An Thơ), chỗ Càng cũ họ vẫn giữ kể cả ruộng canh tác. Vậy đó nên chẳng có gì là lạ cả.
    Do địa thế vùng dân cư và ruộng canh tác của các xã bờ bắc Ô Lâu vừa trũng vừa xa, việc đi lại canh tác, bảo quản  khó khăn, cần có chỗ ở tạm, sau dần lên năm bảy nhà thế là cần có tên gọi chỗ ở là Càng. Có người cho rằng nó như càng cua bảo vệ nơi hẻo lánh. Bảo vệ gì với lực lượng mỏng tang èo ọt, liệu có chống nổi rắn rết nói chi đến chống  người ngoài xâm phạm. Gọi Càng chưa đủ để biết một địa chỉ mà phải kèm theo một địa danh khác như Hưng Nhơn, An Thơ chẳng hạn, cho nên mới có tên kép là Càng Hưng Nhơn; Càng An Thơ… Vô phép tôi lạm bàn ta có thể bỏ từ Càng mà thay vào xóm A Hưng Nhơn; xóm B An Thơ v.v…
  Vùng trũng không có đất trồng khoai sắn, lên rừng khai phá và gọi là Phường. Làng nào cũng có phường. Kể ra gọi  phường là không đúng. Phường là đơn vị dưới Quận ở Thành phố. Quen rồi cũng rồi (có nơi gọi phường săn bắn; phường khai hoang), nhưng ở làng làm nghề ruộng mà gọi Phường thay là phải.
Nguyễn Thanh Xuân
             Email: nhuxuan29@gmail.com

ông Nguyễn Như Xuân( bìa phải) trong lần về thăm quê,tham dự  buổi phát thưởng Khuyến Học của Họ Nguyễn ( Đức-Hữu-Như) Làng HN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét