Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn ở Hải Lăng

Xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn ở Hải Lăng

      Xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhu cầu trao đổi, mua bán nông sản, hàng hóa, dịch vụ của người dân địa phương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xây dựng chợ nông thôn. Kết quả bước đầu trong công tác xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn đang có những dấu hiệu tích cực. Từ đó, Hải Lăng đang xây dựng đề án về xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn và kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Chợ Diên Sanh, huyện Hải Lăng
Chợ Diên Sanh, huyện Hải Lăng
     Tính đến nay, toàn huyện Hải Lăng có 13 chợ phân bố trên 12 xã, trong đó có 2 chợ loại II là chợ Diên Sanh và chợ Hải Chánh; 11 chợ loại III gồm: Long Hưng, Phương Lang, Cổ Lũy, Thị trấn, Hưng Nhơn, Hải An, Hải Khê, Kim Long, Trà Lộc, Câu Nhi, Bến Đá. Hầu hết các chợ họp chợ vào thời gian từ 6-12 giờ, các chợ như Diên Sanh và Mỹ Chánh họp chợ từ 6 giờ và kéo dài đến 20 giờ trong ngày. Các chợ chủ yếu bày bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Về cơ sở vật chất, hầu hết đã được đầu tư từ nhiều năm trước, đã xuống cấp, khuôn viên chật hẹp, không đáp ứng nhu cầu mua bán ngày càng cao cũng như an toàn cho người dân như chợ Hải Chánh được đầu tư từ năm 1999 với tổng mức đầu tư 300 triệu đồng nhưng có đến 102 hộ kinh doanh; chợ Hải Quế được đầu tư từ năm 1996, hiện có 40 hộ kinh doanh; chợ Trà Lộc, xã Hải Xuân được đầu tư xây dựng cách đây hàng chục năm…
     Bên cạnh đó, hệ thống vệ sinh môi trường, cống rãnh ở khu vực chợ chưa được đầu tư xây dựng do đó chưa đảm bảo vệ sinh cho khu vực chợ và thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa. Trong khi đó, nhu cầu về phát triển kinh doanh hàng hóa dịch vụ trong xã hội ngày càng tăng cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hải Lăng đạt 1.721,8 tỷ đồng, tăng 17,8%; số hộ đăng ký kinh doanh mới 100 hộ, nâng tổng số hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn là 3.976 hộ.
     Đứng trước thực trạng trên, huyện Hải Lăng đã chủ động huy động mọi nguồn lực xây dựng chợ nông thôn thôn, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa. Năm 2008, huyện đã tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng chợ Diên Sanh, xã Hải Thọ với tổng mức đầu tư gần 16 tỷ đồng với diện tích khuôn viên chợ 24.000 m2, diện tích đình chợ 3.765 m2, 146 lô cố định, 130 lô không cố định. Sau khi chợ Diên Sanh đưa vào sử dụng đã tiến hành đấu giá 146 lô quầy giai đoạn 2008-2013 được hơn 1,6 tỷ đồng và tiếp tục đấu giá lần 2 giai đoạn 2013-2018 được 1,8 tỷ đồng. Việc đầu tư, đưa vào sử dụng chợ Diên Sanh đã phát huy hiệu quả, trong 2 năm 2012 - 2013, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng chợ Phương Lang, xã Hải Ba từ nguồn vốn ADB với tổng mức đầu từ 4,7 tỷ đồng và đã đấu giá 70 lô quầy, 10 ki ốt với số tiền 1,7 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, huyện đã tiến hành đầu tư xây dựng chợ Long Hưng, xã Hải Phú với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng, đồng thời huy động các nguồn vốn, dự án đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng chợ Hải An và Hải Khê.
     Đồng chí Phạm Đình Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho rằng, việc triển khai chủ trương xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn ở Hải Lăng được đúc rút kinh nghiệm từ thực trạng ở một số địa phương khác là sau khi xây dựng chợ, người dân không vào kinh doanh do nhiều lý do khác nhau như địa điểm không phù hợp, quy mô, mặt bằng không đảm bảo... Chính vì vậy, việc xây dựng chợ ở Hải Lăng luôn gắn với thực hiện quy chế dân chủ trong việc tranh thủ các ý kiến, nhu cầu cũng như huy động các nguồn lực trong nhân dân, xã hội để đảm bảo phát huy hiệu quả lâu dài. Để chủ trương này phát huy hiệu quả, đặc biệt để đảm bảo nguồn vốn đầu tư xây dựng cũng như việc quản lý, khai thác hết công suất của các chợ nông thôn, huyện đã triển khai xây dựng đề án về xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn, trong đó chú trọng việc huy động nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, vốn cố định của huyện hỗ trợ mỗi chợ 500 triệu đồng; đồng thời huy động vốn đấu giá quyền sử dụng đất của địa phương, vốn đấu giá lô quầy, vốn của doanh nghiệp tham gia phát triển xây dựng chợ...
     Đồng chí Phạm Đình Lợi cho biết, sau khi đề án hoàn thành, hoạt động xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn ở Hải Lăng sẽ được triển khai có hiệu quả hơn, trên cơ sở huy động mọi nguồn lực để triển khai xây dựng các chợ còn lại trên địa bàn. Trước mắt, giai đoạn 2014 -2015 sẽ tập trung mọi nguồn lực xây dựng chợ Thị trấn với mức đầu tư 4,4 tỷ đồng; chợ Hải Chánh với tổng mức đầu tư từ 10 - 12 tỷ đồng; chợ Hải Hòa với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tiến hành xây dựng chợ Kim Long với mức đầu tư 4,5 tỷ đồng; chợ Bến Đá với mức đầu tư 2,5 tỷ đồng... 
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: LÊ MINH
Nguồn tin: Báo Quảng Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét