Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

CHUYỆN KIÊN TRÌ VÔ NHỊ CỦA CHÚ ĐỢI LÀNG TÔI - Nguyễn Hồng Trân


        CHUYỆN KIÊN TRÌ VÔ NHỊ CỦA CHÚ ĐỢI LÀNG TÔI
                                                    ==00==
                                              Nguyễn Hồng Trân

Vào một buổi sáng Chủ nhật mùa hè, chúng tôi- những bạn bè thân quen với lứa tuổi già 70,80 ở mấy nhà chung cư lân cận rủ nhau đến nhà tôi (ở H11, phố Vạn Hạnh, khu Đô thị Việt Hưng, Q.Long Biên, tp.Hà Nội) để đàm luận chuyện đời, chuyện nghề, chuyện vui,v.v…
Trong giờ phút chuyện trò vui vẻ, thoải mái, tôi nói với các ông bạn rằng:
“Phải nói rằng, đàn ông làng tôi thuộc loại đàn ông kiên trì nhất, khó có làng nào bằng!”.
Nghe tôi nói như thế, mấy ông bạn ồ lên nói ngay với tôi:
“Ông chủ quan quá đấy! ông bốc phét rồi! Căn cứ vào đâu mà ông bảo đàn ông của làng ông kiên trì nhất?”.
Tôi trả lời với các bạn:
“Được rồi, tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện thật này để chúng ta cùng nhau chia sẻ cho vui:
“Tôi có một người bà con bên nội ở làng Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có tiếng kiên trì nhất huyện. Đó là ông Nguyễn Bá Đợi, sinh năm Ất Hợi (1935). Hiện nay ông đã lên 80 tuổi mà vẫn còn vui tươi và minh mẫn. Hàng ngày ông Đợi vẫn đi làm đồng, khi có việc họ, việc làng, ông tham gia đánh chiêng, đánh trống lúc tế lễ. Bà vợ ông là Nguyễn Thị Y(người làng Đại Nại) cũng còn tinh tường, tỉnh táo. Bà thường ở nhà lo nội trợ gia đình và chăn nuôi gà, lợn. Hai ông bà thời còn trẻ rất khỏe mạnh, đẹp đôi.
Lúc sinh đứa con đầu là con gái,ông đặt tên là Nguyễn Thị Tá. Sau đó bà vợ có thai, ông mong đứa con thứ hai là con trai. Vì ông là con trai đầu của ông Nguyễn Bá Nại, nhưng bà Y sinh đứa thứ hai cũng là con gái, đặt tên Nguyễn Thị Vấn. Thấy hai đứa con đầu đều là con gái ông thấy buồn, nhưng vẫn kiên trì chờ đợi có con trai để nối dõi tông đường. Bà vợ lại sinh tiếp đứa thứ ba cũng là con gái, tên là Nguyễn Thị Việt. Khi có ba đứa con liên tiếp đều là gái cả, ông chồng quá buồn rầu, bà vợ cũng buồn theo và thương chồng. Bà nói với chồng và người cha chồng: “Phận con đã không sinh được con trai cho họ tộc, có lẽ con lo tìm người nữ khác hỏi làm vợ hầu cho anh Đợi để có con trai”. Ông Đợi nghe vợ nói vậy rất thương vợ trong tâm trạng làm dâu thời phong kiến và ông nói ngay:
“Cám ơn bà đã có ý tốt với tôi như thế, nhưng tôi nghĩ là chúng ta cần phải kiên trì, chịu khó thêm nữa. Tôi chưa chịu bỏ cuộc mà đi lấy vợ lẽ đâu!”
Nghe chồng nói vậy, bà Y cũng yên tâm mà gắng sức kiên trì theo chồng. Sau đó, bà lại đẻ tiếp thêm đứa con thứ 4 cũng là con gái tên là Nguyễn Thị Ngữ; Ông Đợi vẫn kiên trì cho bà vợ mang bầu tiếp rồi đẻ đứa thứ 5 cũng con gái, tên là Nguyễn Thị Phu; Ông Đợi vẫn không nao núng, vẫn kiên trì chờ đợi và ông cho bà mang bầu tiếp và đẻ đứa thứ 6 cũng con gái, tên là Nguyễn Thị Phương.
 Cứ mỗi lần bà đẻ thêm một con gái là ông bà đều rất buồn, nhưng bà có tâm lý nặng nề hơn, vì lo lắng, cảm thấy mình làm dâu chưa tròn với gia nương, họ tộc. Thấy vợ băn khoăn lo lắng nhiều, ông Đợi rất thương vợ, cứ động viên là chúng ta cứ “kiên trì mai phục” thì nhất định thành công. Nghe chồng nói vậy, bà yên tâm và càng quý trọng, thương yêu chồng nhiều hơn.
Mặc dù bà Y đã mang nặng đẻ đau 6 lần rồi cũng đã chịu đựng đau khổ cả vật chất và tinh thần rồi, nhưng bà cũng quyết tâm theo lời khuyên của ông chồng.
Thế là sau 6 đứa con gái, đến sinh đứa thứ 7 là con trai và đặt tên là Nguyễn Bá Hướng. Lúc bấy giờ cả nhà vui vẻ vô cùng. Ông Đợi và cụ Nại sung sướng lắm. Khi tròn tháng thằng cu Hướng, cả nhà sum vầy làm lễ cúng gia tiên để ăn mừng khẳm tháng con trai đầu rất hoan hỷ. Tiếp đến 5 lần sinh của bà Y đều là 5 đứa con trai là: Nguyễn Bá Đạo, Nguyễn Bá Hữu, Nguyễn Bá Hiệu , Nguyễn Bá Quả, Nguyễn Bá Diên.
Như vậy bà Y đã sinh cho ông một đàn con 12 đứa, nghĩa là đầy một tá như tên đứa con gái đầu ông đã đặt tên là Nguyễn Thị Tá. Cặp vợ chồng ông Đợi bà Y sinh đàn con rất cân đối: 6 gái, 6 trai (Thị Tá, Thị Vấn, Thị Việt, Thị Ngữ, Thị Phu, Thị Phương; Bá Hướng, Bá Đạo, Bá Hữu, Bá Hiệu, Bá Quả, Bá Diên). 6 con gái, 6 con trai của ông bà hiện nay đều lớn khôn có nghề nghiệp và gia thất yên ổn cả.
Sau khi tôi kể chuyện này xong, mấy người bạn thân quen của tôi đều cười vui và nói:
“Đúng làng ông có người đàn ông kiên trì thật! Khó có người kiên trì thành công mà có một đàn con gái trai cân đối như thế. Bái phục ông Đợi làng ông Trân đấy nhé”. Có ông bạn khác lại nói:
“Có lẽ đó là chuyện ông Hồng Trân bịa ra kể cho vui thôi, chứ có đâu mà người đàn ông đặc biệt kiên trì như vậy!”.
Nghe ông bạn có vẻ nghi ngờ không phải chuyện thật, tôi liền đưa quyển gia phả dòng họ Nguyễn Bá ở làng tôi ra chỉ cho mấy ông bạn xem ở đời thứ 8 trang 82 có tên ông Nguyễn Bá Đợi, có một vợ là Nguyễn Thị Y, sinh hạ được 12 người con: 6 gái liên tục được sinh ra trong 12 năm đầu, rồi đến 6 trai nối tiếp nhau được ra đời trong 12 năm sau.
Khi biết rõ sự thực như vậy, tất cả mấy ông bạn tôi đều cười phá lên và nói:
“Thế là rõ chuyện thật rồi! đáng “tâm phục, khẩu phục” ông Đợi làng Phú Long đó! Vì ông bà đã nuôi con khôn lớn có nghề nghiệp lao động làm ăn ổn định là quá giỏi rồi.”
Tôi cũng cười vui theo và nói thêm:
“Thực ra, chuyện kiên trì yêu thương vợ nồng nàn để có con trai thì nhiều nơi đã có người như thế, nhưng có người kiên trì thành công, có người không kết quả. Trường hợp kiên trì của ông bà Đợi thì rất thành công như ý muốn…
Vừa rồi tôi về quê tảo mộ ở quê (ngày 17, 18-5-2014), tôi đã gặp ông Đợi, bắt tay ông và nói vui với bà con trong họ tộc:
“Thưa bà con, đây là ông Nguyễn Bá Đợi, đàn ông họ Nguyễn Bá làng ta, là một người đặc biệt, hiếm ai sánh bằng. Ông là “vị tướng 12 sao: 6 sao nội và 6 sao ngoại, rất cân đối!, rất công bằng!...
 “Đề nghị bà con chúc mừng sức khỏe hai ông bà Nguyễn Bá Đợi, Nguyễn Thị Y và cả gia đình các con cháu”.
Thế là mọi người vỗ tay hoan hô vui vẻ.Ông Đợi tươi vui trên nét mặt một ông già hiền hậu. Ông bà Đợi hiện có 10 cháu nội và 15 cháu ngoại. Đại gia đình ông bà Đợi sống hòa thuận, êm ấm với nhau và luôn gắn bó với bà con họ tộc, xóm làng.
Đó là chuyện ngày xưa. Dân quê hay quan niệm quan trọng rằng, trong nhà phải có con trai để nối dõi tông đường, để vững vàng rường cột của dòng tộc. Khi đã có con trai rồi thì muốn cho có đông anh em để giúp nhau trong việc lao động ruộng vườn, nhà cửa,v.v... Mặt khác, người ta nghĩ rằng việc đông con cháu là nhà có phúc. Đi đâu bà con thường hỏi là có bao nhiêu con cháu rồi ? Chứ có ai hỏi có bao nhiêu tiền bạc, của cải đâu ? Vì thế mà người phụ nữ đành chịu cái cảnh phải rán đẻ thêm, khi còn sức đẻ được !...
Ngày nay, chuyện đó vẫn còn nhưng giảm đi nhiều. Vì trong thực tế bây giờ càng đông con càng vất vả khó khăn trong đời sống gia đình. Ai cũng thấy được chuyện con đông là khó nuôi cho con khỏe mạnh và học hành tử tế. Nhất là ở vùng đồng bào dân tộc vì gia đình đông con nên cứ luẩn quẩn trong vòng đói nghèo khổ cực cứ kéo dài mãi từ đời này sang đời khác. Mặc dù Đảng và Chính phủ ta đã hết sức quan tâm nhiều mặt để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các dân tộc thiểu số, nhưng đến nay sự tiến bộ vẫn còn chậm chạp. Chúng ta cũng hy vọng rằng, qua trải nghiệm thực tế, họ sẽ tiến bộ dần dần lên.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét