Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

“Hòn đá thiêng” của làng Hưng Nhơn

“Hòn đá thiêng” của làng Hưng Nhơn 

Ngày cập nhật: 12/03/2016 2:54:46 CH

(QT) - Ở thôn Hưng Nhơn, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) ngày nay vẫn còn lưu giữ một hòn đá thiêng, được dân làng xem như bảo vật. Thường niên làng tổ chức hội bưng đá truyền thống. Điểm độc đáo của lễ hội này là ngày xưa, đến tuổi đinh, ai muốn có ruộng tốt đều phải bưng được hòn đá này đi đủ một cự ly đã được định sẵn.

Sự tích “hòn đá thiêng”
Ngày nay, “hòn đá thiêng” này (còn gọi là trống đá vì tương tự như chiếc trống cơm, đường kính 40 cm, cao 26 cm, thân trống có đường gân gờ bao quanh, nặng khoảng 80 kg) đã được đặt ở sân đình tọa lạc ngay đầu cổng làng Hưng Nhơn. Sự tích “hòn đá thiêng” gắn liền với ngôi miếu Bà Giàng, người dân ở địa phương hầu hết đều biết ít nhiều nhưng am hiểu nhất vẫn là một số cụ cao niên trong làng. Chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Đức Sử, (83 tuổi), một trong những bậc cao niên ở làng để tìm hiểu. Dù tuổi đã cao nhưng cụ Sử vẫn còn minh mẫn và kể khá rành mạch về sự tích “hòn đá thiêng” và miếu Bà Giàng. Cụ kể, làng Hưng Nhơn được hình thành cách đây khoảng 500 năm và sự tích về hòn đá, miếu Bà Giàng cũng ra đời từ đó. Cụ Sử nói: “Từ hồi còn nhỏ tui đã thấy hòn đá này và hầu hết bà con dân làng đều xem đó là vật thiêng của làng. Xung quanh trống đá thiêng và miếu Bà Giàng còn lưu truyền nhiều sự tích”.
 
 “Hòn đá thiêng” ở đình làng Hưng Nhơn

Cụ Sử cho biết, theo thế hệ cha ông trong làng kể lại, thời xưa việc tranh chấp ruộng đất giữa các vùng giáp ranh tại địa phương diễn ra rất phổ biến. Trong quá trình khai hoang lập làng, đã từng xảy ra vụ tranh chấp mốc giới đất ruộng giữa hai làng Hưng Nhơn và An Thơ, mà mức độ căng thẳng của sự việc không thể giải quyết nội bộ nên phải trình quan huyện. Với cách giải quyết khá lạ lùng, quan chỉ vào trống đá và lệnh rằng: Viên đá kia nặng là vậy, nhưng nếu ai bưng nổi và di dời đến vị trí nào đó thì mốc giới xác định tại vị trí đó! Có bà lão là con dân làng Hưng Nhơn xin bưng trước. Mọi người thấp thỏm lo lắng không biết bà bưng nổi không nhưng rồi họ thở phào vì bà đã bưng và đi được 10 thước. Tuy nhiên, do viên đá vừa to, vừa nặng cọ xát vào lưng làm váy bà bật tung ra, hoảng quá bà thả hòn đá để chỉnh váy lại. Nơi hòn đá thả xuống trở thành mốc giới của địa phận làng Hưng Nhơn. Sau khi mất, để tưởng nhớ công ơn của bà, bà con trong làng lập miếu gọi là miếu
Bà Giàng để phụng thờ tại khu đất đó và trống đá do bà bưng cũng được thờ tại đây. Hàng năm đến ngày mùng 8 tháng 5 âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng tươm tất tại miếu bằng lễ vật được trích từ 3 sào ruộng công, còn gọi là “ruộng miếu”.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng hòn đá bà bưng khi xưa, hiện nay dùng làm mốc giới giữa hai làng Mỹ Chánh và Hưng Nhơn, thường gọi là “sở mốc đá” để phân biệt vùng ruộng. Còn viên trống đá hiện nay được đặt ở đình làng là sản phẩm do bà tạo ra nhằm rèn luyện sức khỏe cho trai làng đủ khả năng chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, dẻo dai trong lao động sản xuất ngay từ buổi đầu định cư trên vùng đất mới. Theo các cụ cao niên thì tuy có những dị bản khác nhau về sự tích hòn đá và miếu Bà Giàng nhưng nội dung hướng đến đều xoay quanh chủ đề chính là vấn đề tranh chấp ruộng đất, phân định mốc giới đất đai, đặc biệt là ruộng đất giữa các
làng thuở xưa.
 
 Lễ cúng ở miếu Bà Giàng

Tục lệ bưng đá được ruộng 
Cụ Sử cho biết thêm, nhằm phát huy truyền thống và ghi nhớ công đức của bà bưng đá thuở xưa, làng quy định “tam niên đảo lệ” (3 năm chia ruộng 1 lần), dân đinh muốn vào làng “ăn ruộng” phải trải qua một đợt sát hạch, thử sức đầy cam go bằng cách vượt qua “cửa ải” bưng trống đá di chuyển được một khoảng cách nào đó. Tục lệ này có ý nghĩa chứng tỏ khả năng đối tượng được chia ruộng phải đảm bảo đủ sức khỏe để đảm đương công việc đồng áng, đồng thời chính thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm đối với làng xóm của một thành viên “đinh tráng”.

Theo cụ Nguyễn Đức Ấm, (83 tuổi), một cao niên khác ở Hưng Nhơn: “Lệ thành đinh ở làng Hưng Nhơn rất đặc biệt và khác so với các làng khác, bởi đối tượng tham gia ở lễ nghi này đều cảm thấy tự hào, tràn đầy hy vọng như được tiếp thêm sức mạnh khi chạm vào vật thiêng là trống đá do bà ban phát và đặc biệt qua đây họ mới chính danh trở thành một công dân thực sự. Theo tục lệ, cứ 3 năm một lần, làng sắm lễ vật, cờ trống, hội họp tại miếu Bà Giàng cầu khẩn được phù hộ, giúp đỡ con dân những lúc hoạn nạn, gian khó, bảo vệ ruộng đồng, có sức khỏe để đảm đương nghĩa vụ với làng, nước”.
 
 Miếu Bà Giàng nằm giữa cánh đồng

Các bậc cao niên cũng cho rằng, lệ thành đinh được quy định chặt chẽ như vậy nhằm hạn chế hiện tượng gian lận tuổi tác để sớm được chia ruộng, được hình thành và bổ sung ngày càng chặt chẽ qua các đời lý trưởng và có thể có những biến tấu khác nhau. Đôi khi đó chỉ là một trong những hoạt động vui chơi trong các dịp lễ hội tranh tài, nhiều lúc lại trở thành cửa ải thử sức lớp công dân mới vào “ăn ruộng” trong tình hình tranh chấp đất đai ngày càng gay gắt. Lệ được áp dụng không theo sự cứng nhắc, có trường hợp đến tuổi “ăn ruộng” mà không đủ sức bưng viên đá vẫn được chia khẩu phần nhưng chịu thiệt thòi là chấp nhận phần ruộng xấu. Ngược lại, những người vượt qua cửa ải này nhận được ruộng trước, ruộng tốt và là lực lượng dự bị trong đội tuần đinh của làng. Đối tượng đạt kết quả xuất sắc bưng đá sẽ được phần thưởng tuy nhỏ (một ít tiền) nhưng là sự động viên và niềm vinh dự lớn lao trước làng. Như vậy, xuất phát từ một thực tế xã hội mang tính chất phổ biến trên phạm vi vùng miền, lệ thành đinh trước hết nhằm giải quyết trực tiếp vấn đề tranh kiện về ruộng đất, qua thời gian, những lệ đinh được bổ sung ngày càng chặt chẽ, trở thành một lễ hội truyền thống đặc sắc của làng.

Những chuyện lạ quanh “hòn đá thiêng”Cụ Sử, cụ Ấm cùng nhiều bậc cao niên khác và dân làng luôn tự hào về “hòn đá thiêng” và miếu Bà Giàng. Họ vẫn kể lại nhiều câu chuyện lạ xung quanh những vật thiêng của làng như một niềm tự hào. Cụ Sử kể: “Hòn đá thiêng” của làng đã nhiều lần bị kẻ gian rắp tâm chiếm lấy, nhất là hồi còn nằm ngoài miếu Bà Giàng ở càng Hưng Nhơn, cứ mỗi mùa mưa lũ ngập đồng là một số người làng khác chèo ghe đến lấy cắp đá về. Nhưng không hiểu sao chỉ một thời gian ngắn sau là hòn đá lại được trả về chỗ cũ. Nghe đâu các trường hợp lấy đá đều bị đau ốm hay gia đình xảy ra chuyện nọ chuyện kia”.

Một điều lạ nữa là trong các cuộc thi bưng đá từ huyện đến xã, hầu như cuộc thi nào người thôn Hưng Nhơn hay người xã Hải Hòa đều giật được giải nhất. Cụ Ấm cho biết, dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng huyện Hải Lăng, hội bưng đá được tổ chức với sự tham gia của các đội đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. “Đội nào cũng có người to cao, khỏe mạnh và khéo léo nhưng khi vào hội thi, không hiểu sao các vận động viên nơi khác người thì nhấc không nổi, người thì cũng chỉ bưng được vài mét, riêng vận động viên của xã Hải Hòa là bưng đi được xa nhất và giật giải”, cụ Ấm nói. Hay như tại kỳ đại hội TDTT xã Hải Hòa năm 2013, trước lúc vào thi bưng đá, các vận động viên làng bạn vào bưng thử khởi động, có người đi được 40 - 42 m nhưng thật lạ, đến lúc thi chính thức thì 2 vận động viên của làng Hưng Nhơn lại chiến thắng ở vị trí nhất và nhì khi chỉ bưng đi được 16 m và 12 m. Cụ Sử chép miệng nói: “Điều đó thật khó giải thích. Các vận động viên làng khác đều ngạc nhiên nói hòn đá Hưng Nhơn chi lạ thiệt!”.

                                                                                                        Bài, ảnh: LÊ ĐỨC VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét