Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Nơi mạch nguồn Hải Lăng ...

Nơi mạch nguồn Hải Lăng ...

Hải Lăng- miền đất mang hình hài của người thiếu nữ đang xuân với mái đầu biếc xanh gối lên dãy Trường Sơn hùng vỹ, thân mềm mại như dãi lụa đào giữa những vùng phù sa tươi tốt phì nhiêu bên những con sông Ô Lâu, sông Nhùng, sông Vĩnh Định và điểm cuối là chân chạm sóng biển Đông. Hải Lăng - quê hương của những cánh đồng lúa mênh mông thơm ngọt và chập chùng vùng trung du mang hương đất hương rừng. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, mảnh đất này mãi lớn lên từ phù sa, từ mạch nguồn của đất đai, sông núi và tình Người.
Công viên 19-3
Theo sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, tên Hải Lăng xuất hiện vào thời nhà Lê năm 1466 thời vua Lê  Thánh Tông trị vì. Dẫu cho bao “dâu bể” của thời gian, của lịch sử nhuốm màu bi tráng nhưng tận trong sâu thẳm lòng người, mảnh đất này mãi là sự trở về bởi chính mạch nguồn Hải Lăng với dáng dấp, tinh thần của non Mai sông Hãn. Vẫn còn mãi đây dòng Ô Lâu  man mác trong tâm thức của người dân Hải Lăng với bao vui buồn nhân thế  của “ bến nước bến tình” và  rộn rã những chuyến đò xuôi ngược nhưng dường như mỗi chuyến đò qua đây vẫn chất đầy hoài niệm về câu chuyện tình yêu của chàng thư sinh và cô lái đò bên dòng Ô Lâu xa xưa  nặng nợ gắn kết duyên tình. Có phải vậy không mà miền quê này, dòng sông Ô Lâu này- dòng sông được mệnh danh là dòng sông tình sử, dòng sông huyền sử, dòng sông thi ca đã luôn dẫn lối bao người đến đây mà chẳng muốn về .

Cũng mảnh đất này và dòng sông này đã ánh lên gương mặt của “đột phá khai khoa” với cái tên Bùi Dục Tài ở làng Câu Nhi - vị tiến sĩ đầu tiên của phía Nam Đại Việt hơn 500 năm trước. Mạch nguồn quê hương như dòng sữa mẹ, như nguồn phù sa thấm vào máu thịt để rồi thăng hoa trong từng cung bậc đầy yêu thương nhắn gửi khi viết về Hải Lăng của cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Và đây nữa, phù sa mạch nguồn, màu mỡ của đất đai Hải Lăng đã dâng tặng bao sản vật ngọt ngon đậm đà cho đời. Dư vị ngọt thanh của trái cam vùng đồi K4 Hải Phú cho đến vị ngọt bùi của sản phẩm ruốc bột Ngọc Trai ở vùng biển mặn Thâm Khê. Rồi nguồn nước thần tiên Kim Long cho men nồng để làm nên một sản phẩm rượu Kim Long trứ danh  với hương vị vượt qua biên giới ... Tất cả những sản vật ấy bắt nguồn từ mạch nước quê hương và gói gọn nét tinh hoa như là một sự đền bồi thơm thảo cho cái nét phong vận tài hoa của Người Hải Lăng. Và chính điều này đã làm cho mạch nguồn Hải Lăng ngày càng ăn sâu, thấm chặt vào tinh thần khí phách của con người nơi đây .

Mạch nguồn ấy và phẩm cách thanh cao, bền bỉ kiên cường của người Hải Lăng đã bắt nhịp, hoá thân và  thăng hoa từ ngày Quảng Trị, rồi quê hương Hải Lăng có Đảng. Đi qua cuộc chiến tranh đầy máu lửa, mảnh đất này  lần nữa lại ghi tiếp những chiến công dù đã phải đổ bao nhiêu là Máu. Dấu tích của chiến tranh bây giờ chỉ còn lại ở những di tích chiến tranh cách mạng, những tấm bia ghi công những người anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước nhưng vẫn còn mãi trong tiềm thức của mỗi một người dân Hải Lăng và các thế hệ cháu con là những bài ca về những chiến công bất tử của những người anh hùng bất tử như Tám dũng sỹ Phường Sắn, chiến thắng Ngã ba Long Hưng, những nữ anh hùng liệt sỹ Lê Thị Tuyết, Trần Thị Tâm .. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mít  ở xã Hải Phú - người có chồng, bảy con trai, một con gái,một con dâu, một cháu nội đã hy sinh cho quê hương là một minh chứng về sự mất mát đau thương nhưng vô cùng anh dũng tự hào của mảnh đất và con người Hải Lăng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc .

Bao mùa xuân đã qua, bao mùa hoa đã nở tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng. Màu hoa tươi thắm như tình cảm của người dân Hải Lăng dành cho các anh hùng liệt sỹ đã và đang nằm lại đất này và hoá thân vào đất đai, cây cỏ vào mạch nguồn quê hương để Hải Lăng mãi là mảnh đất của sâu nặng nghĩa tình.

Bốn thập kỉ đã trôi qua, mảnh đất và con người Hải Lăng luôn được nhắc đến, luôn được gọi tên từ tầng sâu kí ức và cả mạch nguồn của cuộc sống.

19/3/1975 - mốc son thời gian đánh dấu ngày quê hương Hải Lăng sạch bóng quân thù. Lịch sử sang trang, Người và Đất Hải Lăng lại bắt đầu một cuộc hành trình mới. Mạch nguồn quê hương cùng hào quang chiến thắng đã hợp lưu để Hải Lăng vượt qua thác ghềnh trong tiến trình đi lên xây dựng quê hương giàu mạnh. 40 năm tái thiết, dựng xây và đổi mới, Người và Đất Hải Lăng đã kiên cường, chịu thương chịu khó, đùm bọc lấy nhau để xây dựng lại giang san và tìm hướng đi riêng cho mình. Từ một vùng đất được xem là nơi “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập”, là “rốn lũ”, là “ đồi cát chang chang”, Hải Lăng bây giờ đã trở thành vùng trọng điểm lúa của tỉnh ta với năng suất trên 102 tạ/héc ta /năm. Gần 79.600 tấn thóc hàng năm của huyện đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh nhà đồng thời đưa lại “tiếng thơm” cho hạt gạo Quảng Trị ở nhiều địa phương trong khu vực. Ai đã từng nếm những trận gió Lào cháy khô bỏng rát, chứng kiến những trận lũ tơi bời trên đồng đất Hải Lăng mới hiểu hết giá trị của những hạt gạo mang trong mình cả sự gian khó,vất vả và cả niềm tự hào kiêu hãnh của quê nhà . Người nông dân Hải Lăng hôm nay đã thực sự làm chủ ruộng đất quê mình bằng việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và để rồi những vụ mùa bội thu cứ tiếp nối làm giàu cho những người nông dân đang từng bước “công nhân hóa”,hiện đại hóa đồng ruộng của chính mình .

Công cuộc khai thác gò đồi  đã thể hiện khát vọng chinh phục đất đai làm giàu của người nông dân Hải Lăng và sự hiện hữu của những vườn đồi, vườn rừng ngan ngát hương đất, hương cây càng làm đẹp thêm nhưng cái tên Cáp Xuân Hội, Văn Ngọc Sở… và biết bao người nông dân trên vùng đất này.Vùng cát Hải Lăng có thêm một thuật ngữ làng sinh thái thực chất cũng là một cuộc cải tạo thiên nhiên, tạo lập sự sống mới của người Hải Lăng trên vùng cát trắng. Những cuộc mưu sinh nhọc nhằn nhưng cũng thật lãng mạn của nông dân Hải Lăng giờ đã đâm hoa kết trái bởi từng mầm xanh đã bật lên từ miền cát trắng đem theo hy vọng về một cuộc sống đủ đầy. Bãi sắn, nương ngô, vườn ném…và màu xanh của những cánh rừng, tất cả đang trào lên sức sống diệu kỳ trên quê hương Hải Lăng.

Chính đất đai Hải Lăng, chính mạch nguồn Hải Lăng đã dệt nên những làng nghề đậm chất văn hoá của một vùng đất nghèo nhưng rất đỗi  tài hoa khéo léo.. Làng nghề ở Hải Lăng trước xu thế đổi mới và hội nhập đang chuyển động nhanh hơn với việc UBND tỉnh công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống cho nhiều làng nghề như: Bánh ướt Phương Lang; Nón lá Trà Lộc; Nón lá Văn Trị; Mứt gừng Mỹ Chánh; Nước mắm Mỹ Thủy, Giá đỗ Lam Thủy…Các nghề như chổi đót làng Văn Phong, thêu ren Văn Quỹ…. cũng đang được đầu tư để trở thành những làng nghề có sản phẩm độc đáo và có thương hiệu riêng. Mỗi sản phẩm của miền quê Hải Lăng có mặt trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng kết tinh không chỉ trí tuệ, mồ hôi, công sức của những nghệ nhân tài hoa, của những nông dân thuần khiết mà ẩn khuất đâu đây bóng dáng quê hương đang soi mặt trên từng đường nét, trong từng linh hồn những sản phẩm mang dấu tích quê nhà.
 
                                                                                          

Như là sự bù đắp của thiên nhiên đối với một vùng đất “ đồng chua nước mặn” Hải Lăng được xem là nơi có nhiều đặc sản với nhiều món ăn dân dã chất quê nhưng khó quên lạ thường. Gạo thì ngon đậm đà, rượu thì nồng cay, nước mắm có mùi hương không lẫn vào đâu được. Rồi thì  bánh bột lọc Mỹ Chánh, cháo bánh canh Diên Sanh, canh ám làng Lam.....tất cả là sự đền bồi cho mạch nguồn của Đất, cho tấm lòng thơm thảo của con người Hải Lăng.Tình Đất bám rễ và tình Người thủy chung, đồng lòng cùng chiều sâu của nội lực người Hải Lăng đã làm khởi sắc nhiều vùng nông thôn Hải Lăng. Công cuộc xây dựng nông thôn mới bước sang giai đoạn 2  với chủ đề “chỉnh trang nông thôn” đã tạo dựng được một hình ảnh mới mẻ hiện đại về vùng nông thôn Hải Lăng trong bước chuyển mình đi lên cùng quê hương Quảng Trị.

Với lợi thế hàng chục nghìn hécta ở vùng cát ven biển Mỹ Thủy và đặc biệt là từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về tiềm năng xây dựng, phát triển cảng biển nước sâu và kinh tế biển tại Mỹ Thủy đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Thái Lan. Và sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, một số nhà đầu tư trong nước và của Thái Lan đã có những quyết định đầu tư tại vùng biển Mỹ Thủy. Mới đây, UBND huyện Hải Lăng cũng đã triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa UBND huyện và Công ty 1A Thái Lan về nghiên cứu giải phóng mặt bằng, tái định cư Khu Đông Nam; tiến hành giao mốc, công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện than 1.200MW. Hiện tại, nhiều công trình giao thông được mở mang, đường cứu hộ cứu nạn giai đoạn 1 nối Quốc lộ 1A với Khu Đông Nam tỉnh đã hoàn thành, tương lai sẽ nối với đường cao tốc Cam Lộ -Túy Loan, đường Hồ Chí Minh và nối Cảng nước sâu Mỹ Thủy với cửa khẩu quốc tế La Lay..Đây là những điều kiện cần và đủ để Hải Lăng phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo định hướng phát triển của tỉnh Quảng Trị và là cơ hội để Hải Lăng thực sự chuyển mình mạnh mẽ để sớm hội nhập, trở thành một khu vực kinh tế có vai trò quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Mạch nguồn Hải Lăng đã kết tinh trong bầu nhiệt huyết của Người Hải Lăng. Mạch nguồn này đã và đang bắt nhịp với dòng chảy của quê hương đất nước. Ý niệm về thời gian trong tâm thức người Việt thường được bắt đầu từ Mùa Xuân.Với quê hương Hải Lăng, mùa xuân Ất Mùi này sẽ là mùa xuân của những khát vọng đang dần thành hiện thực bằng những giá trị Chân Thiện Mỹ mà Người và Đất Hải Lăng đã tạo nên cuộc sống hôm nay và mãi ngàn sau.
Tác giả bài viết: Linh Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét