Sông Ô lâu, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng trị – Thừa thiên Huế hiền hoà nước trong leo lẻo, là nguồn nước không thể thiếu trong sinh hoat hằng ngày của người dân. Với các làng hầu hết bến trực tiếp với sông suốt cả chiều dài vùng dân cư, còn làng Hưng nhơn Ô lâu chỉ ghé vào khoảng chưa đầy trăm mét. Tả hữu ngạn Ô lâu có nhiều nhánh rẽ nhưng chỉ có con hói nhỏ Ô lâu –Hoà Viện- Hưng nhơn được làm thành cái bến và có tên là Bến Ngã Ba. May quá nó là tên bến duy nhất mà cả hai bờ Nam Bắc Quảng trị Thừa Thiên Huế có được.
Ở bờ Bắc là vùng đất trũng, bùn lầy không thể đào giéng lấy nước như ở bờ Nam. Nhu cầu về nước để sinh hoạt của người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước sông Ô lâu. Con hói chạy dọc làng chủ yếu đưa nước ra tưới đồng ruộng, dòng nước quanh năm đục ngầu chỉ có thể dùng để rửa ráy qua loa vào lúc sáng sớm. Trâu cũng không mẹp được bởi vừa cạn vừa nóng.
Đối với Hưng nhơn bến Ngã Ba là “con cưng” của làng. Ta thử hình dung: hằng trăm hộ dân, hằng nghìn nhân khẩu mà chỉ có một bến. Chưa mờ sáng đã có người gánh nước, gánh nước và giặt giũ hình như họ thay nhau tấp nập cả ngày. Gần trưa là nhu cầu của đàn trâu tắm mát. Lúc trâu rời bến, bến lại rộn ràng của trẻ con và người lớn ầm ào tắm gội. Một bến diện tich không rộng mà cả ông già bà lão, con trai, con gái, trẻ con tắm chung. Không trọng tài mà ranh giới trên mặt nước được phân chia khá trật tự. Không ai bảo ai mà cái chuyện phô trương, che dấu vừa như không muốn phô bày lại vừa như chờ đợi…Không dừng lại khi bóng hoàng hôn đã lặn từ lúc nào, người người vẫn tiếp tục vỗ sóng nhất là lớp nông dân sau một ngày lao động nặng nhọc trên đồng ruộng. Có người cơm nước xong nghĩ ngơi chờ đến mười, mười một giờ thong thả xuống bến hụp một phát rồi thoải mái lên giường làm một giấc ngon lành đến sáng. Những người đó có biết đâu họ đã bàn giao cái không gian tĩnh lặng ấy cho các bà thiếu phụ tranh thủ gánh nước trong đêm. Các bà chị hyvọng đây là gánh nước tinh khiết nhất mà ta có để sáng mai có bát nước chè xanh, đặc thơm ngon cho chồng uống trước khi bình minh thức dậy.
Bến ở cuối làng đơn sơ là vậy thế mà nó làm cho không khí cảnh quan cả làng đẹp và thơ mộng hẳn lên. Tôi không đại ngôn xin mời các bạn xem xem: Một con đường cài dài thẳng tắp từ đầu làng đến cuối mà nhu cầu đến bến Ngã Ba thì như trên đã nói, hình như thường xuyên có người trên đường.Con đường mà nhiều người qua lại đã nói lên vẻ trù phú nét ấm áp và giàu nhạc tính của nó. Trên con đường thẳng tắp ấy ta bắt gặp vô thiên khê làchuyện: nào ông lão đi bộ chú nông dân vác bộ xe trào nọc đạp nước người cuối làng lên chợ Mĩ chánh, cô gái đầu làng xuống bến gánh nước giặt giũ, trẻ em đến trường v.v...Gặp nhau, chỉ riêng việc chào nhau đã tạo không khí gần nhau hơn phải không các bạn!
Lần nầy tôi xin nói cái Bến Ngã Ba trong những năm khói lửa (1948-1954).Hồi đó quê ta ở trong thế “cài răng lược” Chính quyền thuộc về VNDCCH nhưng thỉnh thoảng có những trận càn của phía VNCH và ca nông (đại bác) từ đồn Mĩ chánh bất thình lình đội về kể cảtrọng liên 12,7 từ Ưu điềm bâng quơ bắn qua. Dọc đường cái kể cả đường trôn phải có hầm cá nhân, trong nhà có hầm chữ A và đắp tường đất trước hiên nhà. Mỗi gia đình làm vậy còn nơi sinh hoạt tập thể đặc biệt là Bến Ngã Ba lúc nào cũng trên dưới 20-30 người thì làm sao đây. Nhớ lại những năm 48,49,50,51 đại bác Mĩ chánh làm nhiều người chết ở khu vực bến Ngã Ba có trường hợp người không còn xác, thịt văng treo lơ lững trên ngọn tre, cành dương liễu. Môt cuộc họp dân làng đầu năm 1952 (tôi không nhớ ai đề xuất) là dở cái nhà ngang của gia đình ông Trần Văn Trinh về làm hầm tại Bến Ngã Ba (gia đình ông Trinh đi về phía VNCH từ năm 49 -50 hiện bỏ hoang) Dân làng đồng thanh tuy có phân vân nhưng đành phải làm vì làng không kiếm đâu ra gỗ làm bộ khung. Các cây mưng sau đường bạng thì khi đóng đồn An thơ lính VNCH đã chặt hết sạch. Dở nhà, dân làng phải làm vất vã hằng tuần mới xong. Hầm to, cao, rộng chứa trên 20-30 người có khi hơn. Có hầm bến tấp nập trở lại. Đến năm 1954 (khi tôi đi tập kết ra Bắc) hầm vẫn còn không biết làng phá dở vào năm nào. Đó cũng là một di tích!
Đến bây giờ bến không còn quan trọng như xưa. Nước sạch đã về tận nhà thoải mái dùng, tuy vậy có nhiều đêm, tôi gặp người thích cái thú tắm sông vẫn về ùm xuống và vẫy vùng một hồi mới chịu lên bờ. Rời bến còn ngoái lại như dặn dò hẹn đêm mai sẽ trở lại.Trong số đó có ông Trần Văn Bạo năm nay tuổi đã trên dưới 90.
Đoạn sông Ô lâu dành cho Hưng nhơn quả là quí hiếm. Thật vậy, hết thời hoàng kim của Bến Ngã Ba cái bến độc nhất trên hai triền sông Ô lâu nay nhường chổ cho chiếc cầu độc nhất bê tông vĩnh cữu nối liền hai bờ sông của hai tỉnh Quảng trị- Thừa Thiên Huế (sau cầu quốc gia Mĩ chánh). Chiếc cầu nó mở rộng địa bàn từ con đường cụt Hải sơn--Hải hoà sang một vùng trù phú của các xã của Huyện Phong điền, đường quốc lộ 42 vào Huế. Thật là một hứa hẹn cho Hải hoà, Hải tân nói chung và trực tiếp là Hưng nhơn nói riêng. Giờ đây chắc chắn không ai cho nơi đây là vùng sâu và vùng xa của cực nam tỉnh Quảng trị.
Cám ơn Ô lâu đã cưu mang Hưng nhơn. Tôi tin (có lẽ con tim mách bảo) rằng từ mố chân cầu Hải hoà đến giáp địa phận thôn An thơ sẽ có bờ kè và trên đó có những chiếc ghếngắm mình ra sông dưới những hàng cây rợp bóng./.
Email : nhuxuan29@gmail.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét