Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Hai lần đi,về


            Lần Đi
      
         Tôi có nhật ký thơ:
Đêm tập kết
     Năm tư tháng bảy canh ba
Đất mình hồi hộp vượt qua đất mình
     Hải Lăng, Bến Hải, Vĩnh Linh
Quê hương Quảng Trị một tình chia đôi
    Chân đi lòng những bồi hồi
Gửi về cha mẹ sáng ngời niềm tin
                                                    31-8 1954

      Tiểu dẫn:  Sau hiệp định đình chiến 21-7-1954, xã tôi xã Hải Phong (Hải Tân, Hải Hoà hiện nay) đưa một số người ra miền Bắc, gọi là đi “tập kết”. Đoàn khoảng 20 người, phần lớn người Câu Nhi. Thôn Hưng Nhơn chỉ có tôi. Trưởng đoàn: Nguyễn Ngôn, người Hà lỗ. Lên đường, người đi đầu cầm lá cờ mầu xanh, biểu tượng của hoà bình (qui định trong hiệp định đình chiến).
     Thế nhưng không đi qua tỉnh lỵ Quảng Trị mà lên Như Lệ rồi theo giao liên đi “đường tắt” đến thượng nguồn sông Bến Hải. Khoảng 01h ngày 29-7-1954 chúng tôi “vượt” từ bờ khe phía Nam sang bờ khe phía Bắc mươi bước chân . Thật là hồi hộp!!

    Đoàn đi sớm vươt cả thời gian chuẩn bị đón tiếp của Chính phủ. Đi quá một buổi đường, phải quay lại nơi đón tiếp của Trung ương do ông Trần Hữu Dực làm Trưởng Ban Đón Tiếp.
    Số người dự mét tin còn ít, bởi đây là mấy đoàn đi sớm nhất. Lần đầu tiên được nghe cán bộ Trung ương trực tiếp truyền đạt chủ trương của nhà nước, những khó khăn thuận lợi, đặc biệt là trách nhiệm hai năm, mỗi người nắm cho được kiến thức tiên tiến của thế giới, để sau đó trở về xây dựng quê hương.
    Ngày đi đêm nghỉ, có đêm được xem biểu diễn văn nghệ, khi thì của tỉnh khi thì của huyện khi thì của xã. Tiền trạm bổ trí tối ngủ nhà dân. Nhìn chung đời sống người dân còn khổ hơn trong ta.
     Tạm dừng chân ở xã Nam Bình huyện Nam Đàn để chỉnh huấn. Chương trình là học chủ trương đường lối mới và chính là làm lại lý lịch cá nhân. Viết lý lịch thì có chi quan trọng mà bài giảng cứ nhắc đi nhắc lại. Tôi viết một lần là xong. Tôi tự hào là kê khai trung thực đến trên trăm phần trăm (>100%), nghĩa là có chuyện chưa biết sai đúng nhưng cứ kê khai để khỏi áy náy như trường hợp anh ruột tôi là Nguyễn Như Lãm ra ở thị xà Quảng Trị nơi địch chiếm đóng. Tôi khai là có người anh ruột theo địch. Tôi định khai chuyện bà mẹ, (đây là bà cả, đẻ ra tôi là bà hai) nhưng sau tôi không khai cho rằng bà già rồi. Chuyện là thế này: Tôi đang là HĐND xã phụ trách thu thuế nông nghiệp thôn Hưng nhơn. Một hôm bà gọi tôi đến bà nói: Nè Xuân rứa chơ cái chữ nông cũng ác hè! Tôi hỏi mẹ nói sao? Ca nông giặc bắn về làm chết nhiều người không ác à!. Ác, đúng thế, tôi trả lời. Bà thủng thẳng nói: còn bên ta thu thuế nông nghiệp cao quá lại còn bắt dân gánh lên rừng nữa không ác à. Mạ! tôi tái mặt. Mạ tôi, gan ruột rứa đó. Lúc đó tôi cho là mạ tôi có thái độ chống bên ta.
     Hôm sau ban chỉnh huấn, đọc cho tôi nghe lời ghi trong lý lịch: Coi thường của cải, gây mất đoàn kết nội bộ.Nóng mặt lên tôi hỏi: Tôi làm gì mà gây mất đoàn kết? Ban chỉnh huấn trả lời: chiếc Printania đắt tiền không cất cẩn thận mà  để quanh giếng tắm đông người bị mất. Nghi ngờ người này người khác thành ra mất đoàn kết trong tập thể. Không, không phải thế. Của tôi vô ý tôi để quên, chứ không tôi đem của ra để gây mất đoàn kết. Tôi cương quyết: tôi không ký vào lý lịch có lời nhận xét như thế.  Họ nhìn nhau: Sẽ trao đổi lại với Đ/c sau.
     Ấn tượng đẹp với tổ chức cấp trên đã bị xấu đi trong buổi đầu nhận biết.
     Sau chỉnh huấn được nghỉ ngơi rồi tiếp tục theo guồng máy xã hội.
     Loay hoay thế nào đó, nhất là việc được cho đi học khoá nầy rồi khoá khác, cọng lại dễ chừng hơn chín năm trời (bổ túc văn hoá, hai khoá chính quy Trung Đại học, mấy lớp bổ túc chuyên ngành…).
    Một hôm về Bộ Lâm Nghiệp (Hà Nội) họp gặp bạn công tác ở Vụ tổ chức hỏi tôi sao không về Nam. Văn bản Bộ điều tháng trước.Tôi ngạc nhiên: mình chưa nghe nói gì Bạn đưa cho tôi xem quyết định.
     Về Hà Tĩnh gặp Giám đốc Sở, Giám đốc Sở cười cười trả lời: Bộ điều thì dễ còn ở địa phương thực hiện đôi khi hơi khó. - Tôi chưa hiểu, xin ông nói rỏ hơn. –Này nhé, tôi chưa tìm được người thay ghế cho cậu, thứ nửa tôi biết trong đó kỷ sư Lâm nghiêp chưa có “đất hoạt động”, ở đây đang cần hơn. Tôi đã có báo cáo với Bộ, ông Xuân bị thấp khớp không đi bộ được. Ông hạ giọng: cậu tạm thời đồng ý với mình. Ông à lên ! sao cậu biết Bộ điều? – Bạn tôi ở Vụ Tổ chức, tôi vừa trả lời vừa bước ra cửa.
      Hai mươi mốt năm, từ tuổi 25 đến 46, có thể nói là thời gian sung mãn nhất của đời người, đáng lẽ khá hơn nhưng chỉ có thế, chỉ có thế. Giá sử bây giờ đang là tuổi 25 bắt đầu lại sự nghiệp (đã có tiền sử (kinh nghiệm) 21 năm trước, e rồi tôi cũng chỉ có thế, chỉ có thế)
   
    Lần Về
    30-4-1975, đếm lại đã hơn 21 năm. Cuộc họp Ban Giám đốc Lâm trường ngay ngày hôm sau đã dành cho tôi tất cả tình cảm và sắp xếp cho tôi về thăm quê hương.
    Ở Lâm trường có  Nguyễn Uẩn người làng An thơ cùng về.
    Chuẩn bị đi mới thấy thiếu một thứ quan trọng là giấy đi đường. 21 năm ở Bắc tôi chưa có chứng minh thư (xem ra quản lý vô cùng lỏng mà không mất dân, trong lúc đó ở miền Nam năm 1958 chế độ Ông Diệm đã có căn cước, chụp ảnh cả Tam gia liên báo, Ngủ gia liên báo, cho từng người từng gia đình thế mà mất dân không biết)
    Làm xong căn cước (không có ảnh) tôi với Uẩn bàn nhau nên đem theo bằng tốt nghiệp Đại học (có ảnh) đề phòng bất trắc. Mỗi đứa một xe đạp hai bộ áo quần đẹp nhất và mo cơm nếp. Từ Lâm trường về đến cầu Hiền Lương là 300 km xem là nhẹ nhàng (bởi trong những năm học ở Quảng Ninh về nghỉ hè ở Lâm trường, đoạn đường hơn 800km vẫn guồng xe đạp ban đêm thành thạo).
    Dừng chân ở Lâm trường Bến Hải do bạn chúng tôi là Thái Triêm làm Giám Đốc. Được biết chưa có chủ trương cho người miền Nam tập kết về thăm quê. Đi quan sát thấy dọc đường người nằm la liệt. Thái Triêm bàn cách phân lẻ. Tôi được giao cho mấy cán bộ của Lâm trường đưa về mạn dưới để đêm lội sang sông. Cán bộ Lâm trường cùng với dân quân du kích địa phương vừa canh gác vừa lách đường đưa tôi ra bờ sông (chiếc xe đạp, tài sản lớn nhất của gia đình để lại trong nhà dân không biết là ai). Đến bờ sông, nhìn sang bên kia mù mịt không thấy gì. Một anh bảo: cỡi hết quần áo buộc trong tấm ni lông (ở trần không vướng), khi cần dùng nó làm phao. Chú ý là đừng nhìn dưới nước hay nhìn bờ mà nhìn thẳng ngôi sao chụm ba, chụm hai cạnh nhau đó thấy chưa, thấy chưa?. Tay anh nắm tay tôi hướng lên ngôi sao đó. Có chút lo lo nhưng tin mình làm được và không còn nghỉ gì khác. Bắt tay tạm biệt trong đêm không biết già hay trẻ và các anh tên gì. Vục người xuống nước mới biết đây là nước lợ, gần cửa biển, có lẽ sông rộng. Lòng tự tin, tấm thân trần truồng với bọc ni lông mắt hướng vào hai ngôi sao chụm ba chụm hai mà ngoáy tới, ngoáy đến lúc thấy mệt, tựa vào bọc ni lông xem ra cũng nhẹ đôi phần, rồi tiếp ngữa khoát, sấp khoát, kiên nhẫn chân ngoáy tay quào… còn xa nữa không, miệng lọt vào ngụm nước mặn, ngữa mặt phì ra yếu ớt. Lơ mơ ta bất lực chăng? Nằm im rồi nằm ngữa rồi dựng thỏng chân, A ! chân chạm đất. Tự nhiên người tôi, tôi không điều khiển được, nó như mểm ra . Nước còn ngang cổ, ngang cổ. Gói ni lông làm phao đã phát huy tác dụng. Phút xúc động đi qua, tôi lần mò vào bờ. Qua màn sương mỏng, nhìn thấy mấy cụm tre thưa thớt, tôi như trườn đến đó, mặc vội áo quần và nằm dài ra cho đến khi mặt trời chói vào mắt cay sè.

---***---***---***---
     Một sự trùng hợp lạ lùng:
    + Khi ra đi, lên thượng nguồn con sông này “đất mình hồi hộp vượt qua đất mình”
    + Khi trở về, xuống hạ lưu con sông này “sông mình hồi hộp vượt qua sông mình”
    Cuộc gặp chỉ cách nhau hơn 21 năm thôi.Thật là thú vị!  
Email : nhuxuan29@gmail.com.

1 nhận xét:

  1. Ôn là một pho sử sống của quê mình! ước gì ôn mình khỏe mãi ha Khoa! Cho anh copy nha!!!

    Trả lờiXóa