Làng Hưng Nhơn làm ruộng ai mà chẳng biết bởi
nó là vùng độc canh lúa nước, một làng thuần nông. Bài này tôi muốn
gửi tới các cháu sinh sau năm 1990.
Trước đó ít nhiều đã nếm
cái gian khổ của nghề nuôi sống chính của quê nhà.
Ruộng
đồng quê ta bát ngát thẳng cánh “đại bàng bay”. Để hình dung cánh
đồng khi chưa cơ giới hoá.
Độ cao (tương đối) chênh lệch trên dưới
1m. (ruộng Cồn Mồ Kiềm với ruộng Cây Ngang). Còn chênh với mức nước
biển là -8 đến -100. Có năm bị triều cường đe doạ.
Khoảng 1/10 diện tích làm một vụ. Còn
lại hai vụ. Hệ thống tưới tiêu làm thay đổi bộ mặt đồng ruộng. Hầu
hết làm hai vụ, đặc biệt chất lượng không chênh nhau lắm. Nếu trước
đây phân mười bậc (tốt, xấu) thì
nay có thể bốn đến năm bậc. Lạm phép tôi phán đoán thế, bởi tôi
không am hiểu lắm.
Để nhớ:
Cái chung nhất: “ruộng sâu trâu nái”.
Đàn ông phải lo khâu nặng nhất là cày bừa, đàn bà lo cấy và làm
cỏ.
Đồng ruộng trôi nổi theo hai mùa lụt.
Thâng tư : tiểu mản và lụt từ giữa tháng 8 đến cuối tháng mười. Tuy
hết lụt lội nhưng dồng ruộng mênh
mong nước cho đến tháng chạp.
Vụ mùa bắt đầu tháng 11 (lên Trạch
Phổ, Mỹ Xuyên) thuê và gieo mạ. Tháng 12 ra đồng cày. Khi cày còn
ngập lưng trâu, cày phải cắm vè. Trời rét cắt da.
Mạ nhổ về, chất ngổn ngang ở đập
bởi dòng hói phải ngăn lại giữ không cho nước sông chảy vào ruộng.
Đêm giữ mạ và chuyền lòi qua đập rồi dùng ghe thuyền (hoặc gánh bộ)
chở cả đêm ra đồng để sáng mai có mạ để cấy. Người cấy quần xăn
tận bẹn, mạ cấy chỉ còn le ve một tí trên ngọn. Lạnh quá, các mụ
kể cả các o phải quấn điếu thuốc lá thật to rít thật mạnh, điếu
thuốc cháy bùng, phà khói mù mịt có khi nuốt cả khói cho ấm bụng.
Vụ trái bắt đầu từ sau Tiểu Mản (cũng
lên Trạch Phổ, Mỹ Xuyên thuê và gieo mạ trước) Ăn mồng năm xong ra cắm
trại. Khi cày còn ngập lưng trâu. Cày cũng phải cằm vè.
Ta thử hình dung mỗi con trâu mộng
giỏi lắm cũng chỉ cày được ba sào (3) mà làng ta có 500 mẫu. Liệu
bao nhiêu trâu bao nhiêu ngày ?. Nếu tính cả bừa thì bình quân chỉ 2,
đến 2,5 sào. Mỗi mẫu mất 4 công trâu, vị chi 500 mẫu x 4 công = 2000.
một mùa cày cấy phải trên dưới một tháng. Tạm tính một tháng thì mỗi ngày trên đồng ruộng có
trên 70 trâu và người cày (2.000 / 30). Trâu hết hơi và người cũng còn
xương bọc da.
Người đi cấy, bốn giờ sáng đã ăn
cơm, 5 giờ lên đường (trời còn tối om) lên nhổ mạ, khi đầy triêng (xâu
khoảng 28 -30 nắm mạ) gánh từ Mỹ Xuyên, Trạch Phổ chạy ra đồng và
cấy cho xong số mạ đã nhổ. Có khi tối mịt mới xong. Cơm trưa thì tuỳ
đó mà có thể ăn trưa trước khi gánh mạ ra đồng cũng có trường hợp
gánh mạ ra đồng mới ghé tạm ngồi ăn bên dường ruộng. Bữa tối thì
thường về ăn cơm nhà.
Xong vụ cấy là tiếp đến làm cỏ. Vụ
mùa làm hai lần, vụ trài từ hai thường thì ba lần. Vụ trái tháng
sáu tháng bảy nắng như đổ lửa, các o các chị và cả các bà nữa
bán mặt cho đất bán lưng cho trời dùng hai bàn tay chai sạm quào bùn,
quào cỏ mồ hôi mồ kê ướt dầm quần áo suốt ngày này sang ngày khác.
Khổ là thế mà các bà sáng tác điệu hò, nghe mênh mang như gió
truyền mây gọi. Cả một giàn đồng ca dồn cho giọng hò Ô ( điệu hò
này thường hò trong khi làm cỏ. kéo dài kéo dài, xem chừng cũng vơi
đi nỗi nhọc nhằn đang oằn trên lưng họ. (làm cỏ lúa không hò “mái
nhì”). Điệu hò Ô hình như mất hẵn, bởi nó biết sẽ có cào cải tiến
và thuốc diệt cỏ thay thế.
Vụ trái (gọi là trái bởi nó bấp
bênh) dễ mất mùa mà lại tốn nhiều công sức nhất. Thiên nhiên chỉ cho
thời gian ba tháng rưởi (đầu tháng năm đến giữa tháng tám) mà giống
lúa (lúa Hẻo) những gần bốn tháng nên thường lúa chưa chín nước đã
nhấn chìm. Trong mùa đó có cấy loại lúa “Bát” cây cao, thân cứng,
gié lúa ít hột, màu đỏ hồng, năng suất thấp, ăn không ngon, tuy nó
chỉ cần một trăm ngày (3 tháng 10 ngày). Vì vậy, vạn bất dĩ phải cấy nơi ruộng sâu như Cây Ngang
chẳng hạn.
Cấy chưa xong, có ruộng đã khô nẻ. Ba
tháng treo chân giữa đồng đạp nước. Đạp ngày hết nước dưới hói lại
đạp đêm. Năm nào làng cũng phải huy động dân đào hói. Có năm nguồn
nước sông Ô lâu cũng cạn, hói trước làng ta nước chỉ chẩy le re, lấy
đâu ra cho đồng ruộng!
Vụ
gặt mùa thường có lụt Tiểu mản và gặt vụ trái gặp lụt thu đông.
Lụt thường kèm theo mưa. Cảnh này không nói hết cái khổ. Bao nhiêu
công sức vốn liếng bỏ vào , bây giờ phải giành giật với thiên nhiên
(lúa đang chìm), gặt về chất đống trên nền sân đất (hầu hết chưa có
sân gạch) có khi mọc mầm vẫn chưa chất lúa cho trâu đạp được. Bí quá phả
đạp chân để đỡ nóng ruột.
Thuận trời thì chất lúa cho trâu đạp,
tuỳ nhiều ít mà tính số trâu, một người dắt (điều khiển) đàn trâu,
một người túc trực khi trâu ị để hứng phân. Môt số người chuẩn bị
mỏ xảy, xảy tách rơm lấy lúa, tiếp tục trâu đạp lần hai, xảy lấy
lúa lần hai, trâu đạp lần ba. Trâu nghỉ thường không trước 12giờ đêm.
Ngày mùa, mỗi đêm ngủ chừng vài tiếng.
Phơi lúa: do sân nền đất, đợi cho ráo
sân mới xúc lúa ra, tròi nắng đep nhất cũng phải ba hôm mới khén, khi
gặp mưa thì nháo nhào xúc đổ, xúc đổ trong nhà không có chổ hở,
chỉ có lúa là lúa. Hơi lúa bốc lên, phải nói là “nồng nặc”.
Rơm là loại ưu tiên phơi trước bởi nó
là ngọn lửa nấu chín cơm canh. Rơm phơi khô có màu vàng tươi, thổi
đượm, nhiều tro, còn rơm phơi không kịp nắng màu đen xỉn, một ôm rơm to
nấu không chín nồi cơm. Quê ta không gần rừng nên củi là đặc biệt
hiếm. Nhà có trâu, rơm là thức ăn chính cho trâu. Lụt ngập đồng, trâu
ở trong ràn chỉ nhờ rơm. Trời rét không
rơm, trâu chết. Nghèo, giàu đều có “đụn” rơm. Xây xong được đụn
rơm mới thở phào nhẹ nhỏm. Nhà tôi
ngày xây đụn rơm thế nào cũng có một bữa “bún vịt”. Anh tôi giải
thích, xảy rơm cho xoắn lại như sợi bún, xây đụn mới chắc, mới tròn,
mới mướt như lông vịt, mưa không thấm vào trong.
---***---***---***---
Thiển nghỉ : Cơ giới hoá. Đặc biệt
hệ thống tưới tiêu làm cho đồng ruộng quê ta có cao độ “bằng nhau”;
giống lúa, thuốc diệt cỏ vân vân và vân vân. Ta có điều kiện chủ
động trong sản xuât
Nhàn ra là cái chắc. Thay vì đôi tay chai sạm quào cỏ để…đến
hiệu làm đẹp sơn sửa móng tay. Ngon lành! Ngon lành!
NGÀY MÙA TRÊN CÁNH ĐỒNG HƯNG NHƠN |
Email: nhuxuan29@gmail.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét