Chuyện dễ bỏ quên 2
Do
hoàn cảnh khá đặc biệt như trên đã nói, 32 người ồ ạt ra Bắc chưa một lần có
cuộc gặp mặt. Ai cũng biết (trong đó có tôi) làng ta ra tập kết khá đông, nhưng
không ai nghỉ ra chuyện thống kê có bao nhiêu người, nói chi đến chuyện gặp
nhau. Nói băng một chút: cho đến thời điểm nhạy cảm nhất là ngày thống nhất
(30-4-1975) Ra Bắc hơn 21 năm, là những người đi về phía chiến thắng, hãnh diện
háo hức về nhà, về quê…Bỏ qua chuyện chính quyền xã thôn thăm hỏi, trình báo.
Bây giờ liệu có người nào chưa về với quê lần nào? Ai biết! và cũng bây giờ ai
biết họ (từng người) hiện cư trú ở đâu - chắc chắn rằng Trưởng thôn không biết.
Không trách Trưởng thôn được vì hộ tịch hộ khẩu mới lập sau ngày 30-4-1975. Chỉ
(xin đề nghị) có một tổ chức phi chính phủ ở làng (người hảo tâm và tâm huyết
đứng ra) hay tổ chức mặt trận đứng ra làm mới được. Cũng có người hỏi: làm để
làm gì? Chắc rằng mỗi người trả lời một khác.
Nếu có
thể cũng nên thống kê ( số đinh, số dân ) dân số Làng có trước 1945. Có công
phu một chút nhưng làm đươc vì thời gian chưa xa và người lớn tuổi đang còn
nhiều. Chỉ cần cầm sổ đi hỏi từng nhà, nếu chưa tin chắc, truy tìm thêm trong
gia phả, tộc phả. Để càng về sau thì không làm nổi nữa. Cũng có người hỏi: Làm
để làm gì?
Biết được số dân và dân trí của Làng năm
1945, ta thấy được qui mô tăng trưởng về chiều rộng ,chiều sâu của chúng ta mà học
tập mà tự hào, làm nhân tố tích cực cho sự phát triển bền vững của quê hương.
Xin lỗi tôi nêu hơi ngoài chủ đề bài viết một chút.
Trở
lại người ra Bắc, không ai chủ trì nắm, ai biết phận mình, muốn biết cũng không
biết được. Tôi lấy cá nhân tôi làm ví dụ:
Nhà nước vừa thoát ra cuộc chiến tranh khốc
liệt… trăm thứ mới, ngàn thứ mới. Ở Nghệ Tĩnh, lúc đó đê vỡ, dân tình đói khổ.
Chung quanh mình toàn người lạ, cảm thấy bơ vơ mà bơ vơ thật. Sau khi tôi tự
nguyện làm công nhân công trường đại đội 313 ít lâu thì gặp Nguyễn Đức Bốn đến
làm công nhân đại đội 314, tiếp đó Nguyễn Đức Ba vào làm công nhân đại đội 316.
Công trường Nông giang bắc Nghệ an người làm
đông lắm. Ra hiện trường đôi lúc gặp nhau, rời hiện trường ai nấy về nhà
dân ở rải rác mấy xã nên rất it gặp và chuyện trò với nhau. Công việc ngày nào
cũng như ngày nào, nhàm chán.Tôi cũng không nhở cái Tết đầu tiên xa quê (Ất Mùi
- 1955) ăn Tết thế nào. Có khi tự hỏi vẩn vơ (đài báo không có) lâu lâu nghe
Tuyên huấn về nói chuyện Là chuyện tuyên huấn nói theo bài tuyên huấn, không
trúng bài trong đầu mình nhưng nào dám hỏi. Tuy vậy công việc tôi làm hăng lắm,
năng suất nhất nhì trong đơn vị.
Đùng một cái tôi bị dính vào “phần tử bất
hảo” trong CCDC sau đó tôi nghe phong phanh Nguyễn Đức Bốn cũng bị. Từ đo chúng
tôi không gặp được nhau nữa do bị tước công quyền. Chính tôi cũng không biết
mình bị nặng như vậy, mặc dầu bên tôi luôn có hai người (từng cặp) công khai
bàn giao nhau (có sổ) giám sát và quản lí (những người đó cũng trong đơn vị).
Họ đi theo tôi là cho có thế thôi, còn tôi thích gì là tôi làm kể cả vào hiệu
chụp ảnh ở Thị xã Thanh Hóa. Tôi chỉ nói: ảnh thì mình cất kĩ, các bạn thì xem
như không thấy,(cười).
Với tôi, tôi tự bằng lòng cái may, cái rủi
mà bản thân có được: cái rủi đứt từng khúc ruột; cái may lại nở
từng khúc ruột. Tôi dùng khái niệm may rủi (có phải là mê tín? ) để
diễn đat nội dung nói trên, chứ cho đến bây giờ tôi chưa “Đã tin điều trước ắt
nhằm điều sau” ( Nguyễn Du ), hay như Đức Khổng “tích thiện phùng thiện…” hoặc
như Đức Phật “ nhân nào quả nấy”, Tôi nghỉ đó là lời khuyên, lời răn, lời dạy.
Có lúc tôi cho khái niệm (may rủi) ấy thuộc phạm trù :tất nhiên và ngẫu nhiên.
Qua đó tôi cũng như nhiều bạn cũng na ná như tôi, tất nhiên không loại trừ sự
tự vươn lên và tự buông thả.
Suốt hai năm chờ Nhà nước hiệp thương, tôi
tự thương mình, tôi cũng không nhớ là có nhớ nhà hay không vì lúc đó tôi tự
nghỉ: mình như không phải là mình trước khi đi tập kết. Có cái hay là ở đâu tôi
cũng được giao cho dạy bổ túc văn hóa, mà dạy thì phải đọc sách để trả lời học
sinh . Thế là có thêm nghề đọc sách ngoài nghề lao động.
Chuyện trên trời rơi xuống, tôi được đi học
ở tận thủ đô Hà Nội, trường Trung cấp Nông lâm Trung ương trong lúc tôi đang bị
quản thúc. Khi tốt nghiệp ra trường tôi có nhật ký thơ “Trường giữa Thủ đô”. Thời gian sau tôi có bài “Độc thoại” xin
trich ba khổ đầu:
1, Tôi cũng không ngờ thật
Đang bị tước công quyền
Được đi học Trung cấp
Nghe tin sướng như điên
Mừng rưng rưng nước mắt
2, Tôi
cũng không biết nữa
Đến Hà Nội tựu trường
Ra ngay mé sông Hồng
Thấy phù sa như lửa
Trời cao xanh mênh mông
3, Tôi
không hiểu nổi tôi
Học mà như ăn cướp
Ba năm dồn kiến thức
Tốt nghiệp đẹp bằng người
Vượt xa tầm mơ ước
…..
Ra Hà Nội trong những năm 1957-1960 tôi có
điều gặp được người làng như Nguyễn Đức Châu, Xưởng sửa chữa xe lửa Gia Lâm; Nguyễn
Đức Chúc, Chỉ huy Đoàn Vận tải Cơ giới của quân đội ở Văn Điển, Nguyễn Đức Bảng
Giám Đốc Xưởng cơ khí 1-5, Nguyễn Thị Hồng ở 23 Lò Đúc, bộ Nông nghiệp, Bà
Tươi, kho vật tư Thương nghiệp ở Bích Câu; Nguyễn Đức Ba ở xưởng sửa chữa ô tô
73 Lý Thường Kiệt, Nguyễn Đức Bốn Xưởng Hóa chất Đức Giang; Nguyễn Đức Mau đội
sửa chữa cầu Long Biên; Nguyễn Đức Khanh và Nguyễn Đức Năng học Trường Trung
cấp Sư phạm ở Cầu Giấy…
Tôi dồn sức học 6 ngày trong tuần. Từ 17
giờ chiều thứ bảy cho đến 17 giờ chủ nhật là thoải mái đi chơi, chủ nhật nào
cũng đi nên tất cả chổ ở của những người nói trên tôi đều đến nhà (cơ quan, nhà
tập thể) có nhiều đêm thứ bảy ngủ nhà bạn, nhiều nhất là Nguyễn Đức Ba. Hè 1958
về Hải Phòng thăm, ngủ đêm nhà Nguyễn Đức Chiêu ở Nhà máy xi măng Hải Phòng.
Riêng Hà Nội cũng đông đấy chứ, nhưng không ai nghỉ ra chuyện gặp mặt đồng
hương.
Đến
cái tết thứ ba (1957) được dự cuộc gặp mặt đồng hương tinh Quảng trị. Đặc biệt
lần này có Đ/c Lê Duẩn (trong Nam
vừa ra), chủ tịch đồng hương Tỉnh Đặng Thí, giới thiệu rất kính cẩn. Thực tình
tôi chưa biết ông Duẩn làm chức vụ gì, chi biết ông ngồi trên và ai cũng nể
trọng; nhiều nhà văn nhà thơ trong đó có Nhà văn Hồng Chương, nhà thơ Chế Lan
Viên nhà thơ Lưu Trọng Lư mà tôi đã đọc tác phẩm và ngưỡng mộ.
Nội dung cuộc gặp mặt đồng hương hôm đó
ngắn gọn nhưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp, tôi sẽ trình bày tiếp
trong bài “chuyện dễ bỏ quê 3”
Kính chào bà con
Email:
nhuxuan29@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét