Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Chuyện dễ bỏ quên 3 -- NGUYỄN THANH XUÂN




     Tôi đến dự cuộc gặp mặt đồng hương Quảng Trị với một tâm trạng vô cùng phấn khởi, vinh dự, tự  hào và sướng. Cầm mảnh bìa bằng hai ngón tay, vỏn vẹn hai chữ TỔ ẤM  mà Ban Tổ chức trao, chúng tôi chạy (không phải đi) đến phòng họp. Không khí cuộc họp đồng hương trang nghiêm. Hình như khai mạc lâu rồi. Tôi chỉ kịp nghe ý kiến nhà thơ Chế Lan Viên, đại ý: chúng ta có mặt với nhau tại đây, hôm nay là do đất nước bị chia cắt. Đất nước bị chia cắt thì cả nước đau, nhưng đau nhất là người Quảng Trị, bởi nhát dao chém xuống thân thể Quảng Trị làm cho tỉnh bị chia cắt, huyện bị chia cắt, xã bị chia cắt thậm chí có gia đình bị chia cắt và trong lòng mỗi chúng ta cũng đang nhói nỗi chia cắt. (Giọng anh trũng xuống, phòng họp như lạnh hơn không một tiếng động). Thời hạn hiệp thương Tổng tuyển cử đã hết. Tất cả phía trước chúng ta tin tưởng vào Trung Ương (nhà thơ đưa mắt nhìn về đ/c Lê Duẩn). Về phần chúng ta là quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí được giao một cách tốt nhất.(vổ tay). 
Ông NGUYỄN THANH XUÂN trong lần vào thăm quê,
tháng 8-2012

    Không nhận được tin báo nên làng ta không có ai đi. Tôi và mấy bạn (người làng khác) cùng đi tìm người nhà nhưng không thấy. Ở cuối góc sân, có tiếng ồn ào, nhiều người hỏi, một anh huơ tay lên: thưa bà con tui mới vượt tuyến ra, ở không nổi với bọn chúng, tui chưa nói cụ thể được, không ở được phải ra thôi mà vượt ra được cũng thiệt khó. Tui ra đay rồi gia đình tui ở trong chắc cũng bị khổ lây.
     Rời phòng họp về trường, tối hôm đó, anh chị em Quảng Trị (có mấy bạn không đi được) chụm nhau trao đổi. chúng tôi kể vắn tắt nội dung cuộc gặp mặt và mấy hình ảnh được thấy được nghe rồi nói nhỏ cho nhau rằng: ta đang được học là nhất, nhiều người mơ cũng không được và vui vẻ: Học và phải học cho giỏi như nhà thơ Chế nói. Nghề của ta bây giờ là nghề học, chỉ học giỏi mới mau thống nhất. Có bạn bảo: đừng có nhớ nhà nữa nhớ cũng không mần chi được mà thêm buồn.
    Ngoài những người đang ở Hà nội, còn những người khác không biết ở nơi nào. Tôi cũng không biết cả người anh em tôi là vợ chồng Nguyễn Như Dương, Nguyễn Như Thương (anh em chú bác). Rất tình cờ, nghe như Thương  bộ đội đang đóng quân ở Diễn Châu. Nhân ngày hè, tôi tìm gặp được Thương, 24 tuổi mà trông rắn rỏi khác xa ngày ở nhà ra đi. Thời khóa biểu bộ đội như cái máy đồng hồ (giờ nào ăn sáng giờ nào xỉa răng…). Nghỉ mình là hoc sinh ở trường quá nhẹ nhàng thoải mái. Thương cho biết địa chỉ của vợ chồng Nguyễn Như Dương nhưng mãi đến hè năm sau mới gặp nhau được.
    Ở Diễn Châu , trèo lên đền An Dương Vương, nơi yên nghỉ cuối cùng của chủ nhân nỏ thần Cổ Loa, thấm thía bài học tình đời, tình yêu…
   Trở về trường: Học và học, chủ nhật đi thăm người Làng. Đó là tất cả.

  Ông Xuân và blogger lengocquoc
( http://quemequangtrihungnhon.blogspot.com/)
(hình ảnh được chụp tại thôn Hà Lộc-Hải Sơn-Hải Lăng)

    Hè đến, rồi Tết đến. Tôi nhớ một tối 29 Tết. Hiệu trưởng tổng kết học kỳ và chúc tết đến 22 giờ  mới bế mạc. (Tết chỉ được nghỉ ngày 30, mồng một và mồng hai). Mươi phút sau các ngọn đuốc của học sinh từ các lớp rực sáng soi đường để các bạn về nhà. Chúng tôi đứa nào cũng tựa cửa nhìn theo và mắt thì đỏ hoe.
   Trường rộng 27 Ha, trên 2.000 học sinh mà bây giờ chỉ còn mấy học sinh miền Nam và một số CBCNV của trường. Không gian lạnh, trời lạnh, người lạnh cái nhớ nhà  mò tới tự lúc nào. Lại nhớ mần được chi! Đem sách ra học, chưa được mấy dòng đã rơi xuồng; đi làm cỏ mấy luống rau, nhưng cầm cuốc lên lại thả xuống.
    Ở Hà nội đông vui, nơi sướng nhất mình còn lẩn thẩn rồi tự mắng mình đã được voi còn đòi tiên.
    Loay hoay thế mà chiều mồng hai đã đến. Không khí học đường sôi nổi trở lại. Một cái tết đã qua!
    Nhìn điểm học kỳ như khích lệ như ấm lòng!

    Đến bây giờ mới thấy, hồi đó sao mà sao nhãng vậy. Tôi và hai anh em Nguyễn Đức Khanh, Nguyễn Đưc Năng học ở hai trường chỉ cách nhau chưa đầy 3km. Đang học thì đến luôn thế mà khỉ ra trường lại không tin cho nhau đến công tác nơi nào, vì thế mất liên lạc từ 1960 cho đến sau này .
 
   Với tôi, ông Nguyễn Ngôn, người Hà lỗ, là Trưởng đoàn xã Hải Phong đi Tập kết, khi rời xã cũng rộn ràng khí thế, cũng phát biểu hứa hẹn với Đảng ủy với quê hương lời lẽ hùng hồn cảm động. Bịn rịn lên đường, người đi đầu cầm lá cờ mầu xanh, cờ hòa binh (qui định trong hiệp định) dàn thành hai hàng tiến lên đường quốc lộ I. Ra đến xã Nam Bình, Nam Đàn, Nghệ an cùng dự chỉnh huấn. Sau chỉnh huấn, không có gặp nhau trước khi mỗi người đi một ngã. Từ đó về sau không có mối liên hệ nào. Thiển nghỉ Đoàn xã Hải Phong hết trách nhiệm từ hôm đó chăng?. Có lẽ vậy, năm 2002, xã Hải Hòa (nửa xã Hải Phong) đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, không thấy ông Ngôn về và hình như ông cũng không báo cáo gì về đoàn người ra Bắc cho xã nên trong báo cáo của xã cũng không thấy dòng nào.
     Bỏ quên, à quên!  

Email: nhuxuan29@gmail.com
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét