Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Làm giàu từ mô hình xen canh sen - lúa


Làm giàu từ mô hình xen canh sen - lúa
 - Trên cánh đồng sâu trũng của thôn Hưng Nhơn, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hơn 10 năm về trước không ai dám nghĩ đến chuyện trồng xen canh sen-lúa thế nhưng có một gia đình nông dân đã làm điều đó và làm rất hiệu quả. Với 3 ha đất ruộng sâu thuê của xã, vợ chồng ông Võ Văn Xinh và bà Trần Thị Biên đã giàu lên từ những mùa sen nở rộ.
Khi nói về quyết định này, ông Xinh tâm sự: “Thâm canh cây lúa hiệu quả kinh tế cũng có nhưng khi so sánh giá cả sen và lúa trên thị trường tôi nhận thấy trên diện tích 1 ha thì sen cho lợi nhuận gấp 3 lần lúa. Sen cũng không phải là giống cây khó trồng, nếu biết cách chăm sóc và phòng trừ nấm trong đất thì hiệu quả rất cao. Chính bởi suy nghĩ đó mà tôi đã bàn với vợ áp dụng mô hình xen canh sen – lúa để nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Gia đình ông Xinh cũng như những hộ khác ở thôn Hưng Nhơn, trước đây chỉ chuyên canh cây lúa và nuôi thêm mấy con gà, con lợn, trồng vài thứ rau trong vườn để chủ động nguồn rau dưa cho những bữa ăn. Tuy nhiên, ở vùng chiêm trũng này mỗi mùa nước lên nếu thu hoạch không kịp thì coi như mất trắng. Vì vậy đời sống người nông dân nơi đây thường chỉ đủ ăn chứ không dư giả nhiều.

Năm 2001, trong một lần xem truyền hình thấy nhiều nông dân ở Thừa Thiên - Huế giàu lên từ mô hình xen canh sen – lúa tại những vùng ruộng sâu, ông Xinh đã nghĩ đến việc áp dụng vào quá trình sản xuất của gia đình mình.

Khi nói về quyết định này, ông Xinh tâm sự: “Thâm canh cây lúa hiệu quả kinh tế cũng có nhưng khi so sánh giá cả sen và lúa trên thị trường tôi nhận thấy trên diện tích 1 ha thì sen cho lợi nhuận gấp 3 lần lúa. Sen cũng không phải là giống cây khó trồng, nếu biết cách chăm sóc và phòng trừ nấm trong đất thì hiệu quả rất cao. Chính bởi suy nghĩ đó mà tôi đã bàn với vợ áp dụng mô hình xen canh sen – lúa để nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Sau khi suy nghĩ về việc xen canh sen - lúa quy mô lớn ông Xinh tìm đến một số địa phương nổi tiếng về giống sen ở Thừa Thiên- Huế để tìm hiểu cách thức làm cũng như nguồn giống chất lượng tốt. Sau gần 3 tháng tìm hiểu, ông quyết định đấu thầu 3 ha đất ruộng sâu của xã để làm.

Vốn quen thâm canh cây lúa nên khi chuyển sang thả sen vợ chồng ông phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn. Sen là loài cây thủy sinh, sống trong bùn nên việc cải tạo đất là việc làm quan trọng nhất. Đầu tiên ông phải nạo vét ruộng, bón phân hữu cơ, lân, vôi tạo độ mùn cho đất.

Sen trồng trên diện tích lớn nên để thuận lợi cho việc thu hoạch ông đã nghĩ ra cách thả sen theo từng lối rộng khoảng 2m. Song song với quá trình cải tạo đất ông tranh thủ thời gian vào Thừa Thiên- Huế chọn mua giống sen về thả cho kịp thời vụ. Thời gian sinh trưởng của sen thường từ tháng 2 đến tháng 6 và thu hoạch chính vụ trong tháng 6 và 7. Đến tháng 8, 9, 10 nếu không có lụt thì tiếp tục thu hoạch kéo dài.

Vụ sen đầu tiên của gia đình ông Xinh là vào năm 2002, thời tiết thuận lợi sen chính vụ cho năng suất cao nên gia đình ông mỗi ngày thu được hơn 2 triệu đồng. Đến tháng 8, 9, 10 thời tiết vẫn nắng ráo sen tiếp tục nở rộ và cho thu hoạch liên tục, vì sen trái mùa (thường gọi là sen chét) nên giá thành cao hơn. Mùa sen đầu tiên gia đình ông thu được hơn 60 triệu đồng từ sen chính vụ và gần 40 triệu đồng từ sen chét, sau khi tính toán các khoản chi phí ban đầu cho cải tạo đất và mua giống, gia đình ông lãi hơn 70 triệu đồng.

Sau vụ sen ông tiếp tục vụ lúa, với hình thức xen canh sen – lúa ông tận dụng được nguồn phân bón trong quá trình sản xuất. Sau vụ sen nguồn dự trữ chất mùn trong đất rất cao vì vậy có thể tận dụng để giảm lượng phân lân mà chỉ cần bón thêm phân kali cho lúa.

Sau vụ lúa lại tận dụng được nguồn đạm trong đất để sen phát triển. Bên cạnh đó ông Xinh còn tận dụng diện tích mặt nước vào mỗi vụ thả sen để nuôi các loại cá nước ngọt như trắm cỏ, rô phi, trê. Cá thả cùng với sen nên nguồn thức ăn trong ruộng rất dồi dào, vào mỗi vụ sen ông thường thả thêm khoảng 3.000 cá giống. Mỗi năm trừ chi phí giống cá gia đình ông thu được hơn 30 triệu đồng, đây là nguồn lãi hoàn toàn vì cá thả trong ruộng sen không phải đầu tư thức ăn.

Theo ông Xinh, với giá hạt sen từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg như những năm trở lại đây thì vào chính vụ mỗi ngày gia đình ông thu được từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Mỗi vụ sen gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng.

Nhờ dám nghĩ dám làm và cần cù, chịu khó đời sống kinh tế của gia đình ông Võ Văn Xinh đã được cải thiện đáng kể, xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi hai người con học đại học, một người đang học cấp 3. Hiện nay gia đình ông là một trong những hộ giàu của thôn Hưng Nhơn với thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng.

                                                   NGUYỄN LỆ XUÂN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét