Có
lẽ trong ký ức những đứa trẻ của một vùng quê nghèo miền gió Lào cát
trắng như chúng tôi không bao giờ quên những trưa hè cùng nhau ra đồi
tràm hái những gốc nấm màu tím sẩm bụ bẩm, căng đầy sức sống đang đội
lớp lá tràm vươn lên sau những
cơn mưa mà hạ. Người dân quê tôi gọi đó là nấm tràm vì đơn giản nó được
mọc rất nhiều dưới những gốc cây tràm.
Chỉ
vào khoảng tháng 5 tháng 6 trở đi, khi cái nắng làm rát mặt người thì
những đợt mưa giống kéo đến, đấy là thời điểm để những gốc nấm tràm bụ
bẩm, dễ thương nhô lên khỏi mặt đất.
Có
nhiều người đã nói rằng "nơi quê nghèo chỉ có gió Lào và cát trằng nên
người dân Quảng Trị rất dễ nuôi, cái gì dù chua, dù chát, dù đắng, dù
cay đến đâu họ vẫn ăn được, ăn đến ngon lành". Đúng vậy, vị đắng ngắt
của nấm tràm khiến nhiều người phải nhăn mặt đến thế mà người dân quê
tôi vẫn thưởng thức ngon lành đến nỗi đâm nghiện.
Chúng
tôi phát hiện ra một điều, những cây nấm tràm luôn là người bạn thân
của lũ học trò nghèo chúng tôi vì nó chọn mọc vào thời điểm mùa hè. Lúc
đó chúng tôi đã bỏ sách vở một bên để cùng thưởng thức một mùa hè thú
vị. Những chuyến đi chơi xa đối với gia đình những bạn có điều kiện, còn
lũ trẻ nghèo như anh em chúng tôi thì một buổi lên đồi tràm hái nấm,
một buổi xuống chợ bán nấm.
Mỗi
buổi sáng anh em chúng tôi lên đồi, nhẹ nhàng lật những đám lá tràm dày
đặc để nắm gọn cả tai nấm vào tay. Sau vài tiếng đồng hồ thì hái được
cả giỏ nấm thật lớn mang xuống chợ huyện, thế là có tiền, anh em tôi lại
bỏ vào ống tre tiết kiệm. Đến khi bước vào năm học mới, ống tre được
chẻ ra và số tiền kiếm được cũng kha khá, đủ mua cho mình bộ đồ mới diện
trong ngày khai giảng, mua cặp xách, sách vở và những dụng cụ học tập
để bắt đầu cho một năm học mới.
Ý
nghĩa là vậy nên không bao giờ chúng tôi quên được những tai nấm tràm
tím sẫm, bụ bẩm và cũng hết sức đáng yêu. Khi cuộc sống còn chật vật,
người dân quê tôi thưởng thức món canh nấm theo một cách hết sức giản
đơn.
Nấm
hái về, cắt góc, cạo lớp vỏ mỏng ở tai nấm sau đó trụng qua nước sôi.
Ruốc được đánh trong một tô nước lạnh, để đến lúc nước ruốc trong thì ta
cho nấm lên xào với tóp mỡ, hành, nước mắm, bột ngọt, tiêu tươi... cho
thấm, sau đó cho nước ruốc đã gạn trong từ trước, đến khi sôi thì cho
một nắm rau lang ngắt sau vườn nhà vào thế là được một nồi canh nấm ngon
tuyệt vời. Cả nhà ngồi quanh nồi canh nấm vừa thưởng thức, mùi thơm của
ruốc, cái đắng của nấm khi ban đầu và cái ngọt sau khi thưởng thức.
Khi
cuộc sống đã dần dần cải thiện, người ta không chỉ thưởng thức canh nấm
theo cách truyền thống đó nữa mà còn chế biến nhiều món lạ và bổ dưỡng
hơn như nấm tràm nấu canh gà, nấu đậu xanh, xào tôm hay cả món cháo nấm
và đặc biệt nó còn được liệt vào thực đơn của các nhà hàng hạng sang
nữa.
Anh
em tôi đã cùng nhau rong ruổi trong những ngày hè như thế và để lại
những kỷ niệm thật đáng yêu. Có người đã đi công tác tận trời tây, có
người công tác tại miền nam xa xôi nhưng cứ đến mùa nấm, mẹ tôi lại phơi
những tai nấm tràm thật khô, đóng gói và gửi cho các anh như gửi chút
kỷ niệm của những trưa hè oi ả nơi miền quê gió Lào cát trắng.
Ngày
nay, cuộc sống bận rộn quanh năm, ít ai có thời gian ngồi nhớ lại hương
vị quê nghèo, ít ai có dịp về vùng quê nơi sinh mình ra và lớn lên, ăn
lại những món ngon quê nghèo thời thơ ấu. Điều rất vui là khi ăn món
ngon này, tôi nhớ lại những tháng ngày rong ruổi cùng các anh trên đồi
tràm, nhớ về cha mẹ gian khó nuôi anh em tôi thành người, và vợ tôi thì
tấm tắc: “Ngon quá, nấm quê miềng ngon quá!” mà lòng tôi cảm thấy lâng
lâng.
Trương Tuấn Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét