(QT)
- Từ đầu tháng 10 âm lịch đến nay, khi những cánh đồng mênh mông thuộc
huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bắt đầu được rút nước để chuẩn bị cho gieo sạ
vụ lúa đông xuân thì cũng là lúc nhiều người dân nơi vùng trũng này lại
hối hả bước vào vụ săn cá đồng…
Đánh cá trong giá rét
Đợt gió mùa đông bắc cuối năm tràn về cộng với những cơn mưa phùn dầm dề
khiến không khí lạnh lạnh buốt tràn ngập khắp các thôn xóm. Thế nhưng,
trong thời tiết lạnh giá đó, nhiều người dân quê ở huyện Hải Lăng vẫn
miệt mài bước vào vụ săn cá đồng như mọi năm.
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi theo chân nhóm các anh Thiết, Thái ở xã Hải Ba
chuẩn bị cơm nước, ngư cụ như nơm (còn gọi là cái chơm), oi (giỏ đựng cá
được đan bằng tre) để đi đánh bắt cá ở những cánh đồng trũng Hải Lăng.
Hôm nay tôi theo các anh đi vào những cánh đồng trũng ở một số xã như
Hải Thành, Hải Dương, Hải Tân, Hải Hòa… để hành nghề.
|
Cá sau khi đánh bắt được bán ngay trên bờ ruộng
|
“Năm nào cũng vậy, cứ dịp này là tôi cùng một số người cùng làng lại lặn
lội vào đây để đánh cá bán kiếm ít tiền chuẩn bị tiêu tết. Ở quê, đây
là thời điểm chưa gieo sạ, giá rét nên cũng không có việc gì làm, tranh
thủ làm ăn chút đỉnh kiếm đồng ra đồng vào đỡ đần cho vợ con”, anh Thiết
vừa đèo tôi trên chiếc xe máy củ kĩ men theo bờ ruộng hướng ra cánh
đồng rộng mênh mông, vừa tâm sự.
Trò chuyện được chừng dăm ba câu chuyện thì chúng tôi cũng vừa đến nơi.
Trời vẫn mưa rả rích, lạnh buốt, mặt đất vẫn còn nhập nhoạng. Tuy vậy,
trên quãng đồng rộng mênh mông xăm xắp nước đã có lác đác vài bóng người
cũng đã đến để hành nghề nơm cá như chúng tôi. Xoa tay vào nhau rồi hít
hà lấy hơi, anh Thiết tranh thủ châm điếu thuốc cố xua tan cái lạnh
sáng sớm để chuẩn bị cho một ngày hành nghề.
Chúng tôi xắn quần cùng bắt đầu lội ruộng. Tôi được phân công cầm giỏ
đựng cá, anh Thiết thì cầm nơm liên tục sục sạo khắp mảnh ruộng nước chỉ
còn sâu chừng hơn gang tay. Trên mảnh ruộng, những con cá bị quấy đảo
liên tục đã bắt đầu rẽ nước bỏ chạy tán loạn. Bằng kinh nghiệm và khả
năng “sát cá” của mình, chỉ chừng hơn 1 giờ, anh Thiết đã tóm được gần
chục con cá lóc, cá trê đen trùi trũi. Cạnh bên, anh Thái cũng đã “thu
hoạch” được lượng cá không hề kém cạnh.
Tranh thủ nghỉ ngơi thuốc nước bên bờ ruộng, các anh chia sẻ: “Thường
chúng tôi chỉ úp nơm để bắt cá đen (lóc, trê, rô) vì loại ngư cụ này chỉ
có chức năng như thế. Đây cũng là những loại cá có giá thành khá cao
nên chúng tôi mới bỏ công đi xa như thế. Cánh đồng đây là gần chứ có đợt
chúng tôi phải lặn lội vào tận đồng của huyện Phong Điền (Huế) nữa mới
bắt được nhiều cá. Nói chung nghề này cũng là tranh thủ thời vụ, chỉ làm
chừng một tháng, đến khi gieo sạ là nghỉ thôi”.
Anh Thái kể thêm, trước đây, cứ bước vào thời điểm này là người làng anh
và một số làng của xã khác lân cận cũng đổ xô nhau đi đánh cá ở những
cánh đồng trũng như thế này.
“Hồi đó cơ cực nên nhiều người đi đánh cá lắm, già trẻ gái trai gì cũng
đi, chủ yếu là kiếm cá tôm để làm thức ăn dùng dần trong dịp đông giá,
giáp hạt. Nay đời sống đã khá hơn nên nghề đánh cá trước mùa gieo sạ thế
này cũng ít dần. Chỉ có cánh đàn ông thạo nghề mới đi tranh thủ kiếm ít
cá bán kiếm tiền trang trải cuối năm”, anh Thái nói.
|
Người dân Hải Lăng khai thác cá đồng
|
Cuộc trò chuyện cứ đứt quãng vì các anh đều dõi mắt ra cánh đồng, hễ
thấy nước động là lao nhanh ra úp nơm bắt cá. Khi trời xế trưa thì lượng
cá trong giỏ cũng đã hòm hòm, chúng tôi tấp vào chiếc cầu ván nhỏ bắc
qua con hói giữa đồng nghỉ ngơi, ăn uống để chuẩn bị đánh bắt buổi
chiều. Lúc này nhiều “đồng nghiệp” khác đang hành nghề ở những mảnh
ruộng lân cận cũng tập trung nghỉ ngơi trò chuyện râm ran giữa quãng
đồng vắng. Lúc đánh cá ai nấy đều hăng hái nhưng ngồi nghỉ một lúc thì
ai cũng thấm lạnh, run cầm cập. Những đôi tay trắng bợt nhăn nheo lên vì
lạnh và ngâm nước lâu chuyền nhau từng điếu thuốc để giữ ấm.
Buổi chiều chúng tôi tiếp tục đánh bắt cho đến khi giỏ cá đầy thì tập
trung lại bên bờ ruộng để rửa cá rồi ra về. Lúc này trời cũng đã bắt đầu
nhá nhem. Men theo bờ ruộng nhão nhoẹt, trơn trượt chúng tôi trở về
trong niềm vui vì một ngày đánh bắt khá thành công. “Hôm nay khá may mắn
vì kiếm được chừng hơn 5 kg cá. Sớm mai vợ chúng tôi sẽ mang đi chợ
sớm, chắc cũng bán được chừng 200-300 nghìn đồng. Nghề này tuy nhọc nhằn
nhưng cũng vui, làm vừa là kiếm chút tiền, vừa là gợi nhớ lại một thời
gian khó”, các anh chia sẻ với chúng tôi.
Tát ao, đìa kiếm cá tôm
Hải Lăng là địa phương đặc thù có vùng đồng trũng rộng lớn, phong phú
thủy sản. Ngoài những cánh đồng trũng thì địa phương này cũng có rất
nhiều ao, hồ, đìa, hố bom, kênh mương… là những nơi có nhiều loài cá tôm
sinh sống. Khi đồng ruộng được rút nước thì những ao hồ, hố bom… này
được người dân tận dụng để đánh bắt thủy sản. Ngoại trừ có một số ao,
hồ, đìa có diện tích lớn được địa phương quản lý và tổ chức đấu giá cho
người muốn khai thác thì những hố bom rải rác giữa đồng được cho khai
thác tự do. Những người không có điều kiện đấu giá thì có thể lang thang
kiếm cá trên đồng hoặc tát hố bom kiếm ít cá cải thiện. Còn những người
đấu giá trúng sẽ được quyền khai thác ở những địa điểm đã được “chỉ
định”. Hầu hết những địa điểm này đều tập trung khá nhiều cá tôm và đều
là nguồn cá tự nhiên.
Những ngày này ở hầu khắp các vùng đồng ruộng, ao hồ ở huyện Hải Lăng
đều diễn ra cảnh người dân khai thác cá tự nhiên. Bên dưới đồng người
đánh bắt cá cứ đánh bắt, trên bờ những người thu mua cá đã đợi sẵn. Cứ
cá lên bờ là cân luôn cho người mua. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc
sau mỗi vụ mùa, đặc biệt là vào dịp cận kề gieo sạ lúa đông xuân. Chúng
tôi đi ngang qua quãng đồng ở xã Hải Ba và may mắn được dịp chứng kiến
một nhóm gia đình đang tổ chức khai thác cá ở chiếc hồ nằm ngay giữa
đồng với diện tích mặt nước áng chừng cỡ sào ruộng 500 m2. Gần chục
người vừa sì sụp dưới lớp bùn đặc quánh, vừa thoăn thoắt bắt cá. Do cả
cánh đồng đều đã cạn nước nên chiếc hồ này trở thành chiếc “túi cá”.
“Gia đình tôi đấu gần tạ thóc để được quyền khai thác cá ở hồ này. Dự
định giáp tết mới khai thác để bán cho được giá nhưng mấy bữa nay người
ta dùng điện rà ghê quá nên đành phải hút hồ thôi. Thời điểm này khai
thác hết hồ cũng kiếm được vài triệu, nếu để đến tết thì giá sẽ cao hơn
nhiều”, chị Thúy người lấm lem bùn đất vừa mò mẫm bắt cá, vừa nói với vẻ
tiếc nuối.
Sau nhiều lần quần thảo thì nhóm người nhà chị Thúy cũng đã hoàn thành
việc khai thác cá. Cá to được bỏ vào chiếc giỏ đựng cá lớn, cá nhỏ cho
vào rổ rá, cá con (cá con thường được mua cho lợn ăn) thì được chất vào
bao gai. Cả gia đình hì hụi chuyển cá lên bờ rửa qua và bán ngay cho
thương lái đang chờ sẵn.
“Đợt này chúng tôi khai thác được khoảng trên 3 tạ cá các loại, trong đó
cá con chiếm khoảng 50%. Mỗi kg cá lóc bán ngay tại chỗ giá trên 50
nghìn đồng, cá rô phi, chép, diếc thì cũng cỡ 15-20 nghìn, cá con thì
tầm 4-5 nghìn đồng. Nói chung tính sơ qua cũng có lãi khá, số cá dư còn
lại thì chúng tôi chia nhau để ăn”, chị Thúy cho biết thêm.
Đánh bắt cá đồng vào mùa giá rét ở Hải Lăng là một nghề “thời vụ” đã có
từ xưa. Ngày xưa gian khó, thiếu thốn, người dân đánh bắt chủ yếu làm
thức ăn trong thời kỳ giáp hạt. Nay người dân vẫn đánh bắt cá thời vụ
nhưng không hoàn toàn nặng về mưu sinh. Ngoài việc tranh thủ bắt cá tôm
để bán kiếm ít tiền trang trải một phần vào dịp cuối năm lúc rảnh rang
thì đây cũng được xem là một thú vui đời thường, thấm đẫm chất quê mộc
mạc và bình dị…
Bài, ảnh: HIẾU GIANG
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét