Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

LUẬN VỀ CHỮ ĐỨC

16/09/2013 12:40:43 CH
Trong gia phả Họ Đỗ có câu : Hiền từ đức hạnh, phú quý bậc trung, điểm nổi bật là đông con nhiều cháu. Được như thế là do ông bà trước đây lấy đức làm trọng nên con cháu được hưởng.


Trong gia phả Họ Đỗ có câu : Hiền từ đức hạnh, phú quý bậc trung, điểm nổi bật là đông con nhiều cháu. Được như thế là do ông bà trước đây lấy đức làm trọng nên con cháu được hưởng
Qua câu trên thấy rằng : Tổ tiên lấy “đức” làm trọng nên con cháu được hiền từ có đức hạnh, được phú quý và đông con nhiều cháu. Đó là những điều mà trước đây ai ai cũng mong muốn. 
             Người trồng cây kiểng người chơi
        Ta trồng cây “ đức” để đời cháu con.    
Vậy tìm hiểu “đức”  là gì ? Tại sao Tổ tiên lấy “đức” làm trọng và để thực hiện theo ý muốn của tiền nhân. 
Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, “đức” là điều thiện, là đạo lý làm người. 
Vậy “đức” là suy nghĩ và hành động làm cho con người có uy tín, có giá trị cao. 
Điều thiện là việc làm hợp với lẽ phải, với luật pháp. Việc làm hợp với lẽ phải là việc làm được người đời ngợi khen như lương thiện, hiếu thảo, siêng năng, chân thật… 
Trái lại, là bất thiện là những việc làm bị chê trách như gian xảo, lười biếng, say sưa, đàn điếm, cờ bạc… 
Tóm lại, điều thiện là những việc làm đem lại kết quả tốt đẹp cho cá nhân, gia đình, gia tộc, quê hương, xã hội. 
Đạo lý làm người : Đạo là con đường. Đạo lý là nghĩa lý ai cũng phải công nhận. 
Đạo lý làm người là những việc làm tốt ai cũng phải công nhận. Việc trước nhất của đạo lý làm người là đạo hiếu, là việc kính cẩn, chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ nhất là khi cha mẹ già yếu, làm cho cha mẹ vui lòng, không làm cho cha mẹ buồn phiền. 
Do ai mà có ta ? 
Nhờ ai ta nên người tài ba ? 
Công lao cha mẹ đối với con cái thật là to lớn. Công ơn ấy cao sâu như trời biển. Mẹ ta chín tháng cưu mang, đi biển mồ côi một mình. Khi con còn tấm bé, con đau đầu nóng lạnh, cha mẹ không sao ngủ yên được, thức suốt canh dài lo lắng cho con. 
Mẹ cha một nắng hai sương  
Gian lao cực khổ vì thương con mình  
Con đau lòng mẹ tan tành 
Con ốm lòng mẹ sao đành ngồi yên.  
Cha mẹ nào lại không thương con, con cái là dây tình cảm mật thiết của cha mẹ. Vậy :        
Làm người phải nghĩ cho xa
Làm con phải hiếu với cha mẹ mình 
Làm con phải biết, phải nhớ đến ân đức của cha mẹ, phải biết báo hiếu. Đó là bổn phận, là tinh thần chân chính của đạo làm con, làm người.  Người con có hiếu không có gì vui hơn là được sống gần cha mẹ, được chăm lo cha mẹ nhất là lúc cha mẹ tuổi già bóng xế. Tư cách, tinh thần ấy thể hiện qua câu ca dao : 
Công cha như núi Thái Sơn  
       Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra     
Một lòng thờ mẹ kính cha 
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.   
 Nói về hiếu, đạo Phật có câu :  
 Tu đâu bằng tu nhà   
Thờ cha kính mẹ đó là chân tu 
       Hay : Trăm ngàn vạn quyển kinh, đều lấy hiếu làm đầu (Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên ). 
 Giáo lý nhà Phật dạy đạo hữu rằng :  
Trước khi dâng lễ vật cúng Phật, phải dâng cúng cha mẹ trước đã.    
            Chỉ có lòng hiếu thảo của con cái mới tạo cho cha mẹ nguồn an ủi lâu dài, cha mẹ yên tâm nhất là lúc tuổi già sức yếu. 
            Trong đạo Nho, các mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, vợ chồng ( tam cương ), quan hệ giữa vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bè bạn ( ngũ luân ) và năm điều cần thiết để có quan hệ tốt với nhau là : nhân, lễ, nghĩa, trí, tín ( ngũ thường ). Trong các mối quan hệ trên, đạo làm con lấy hiếu làm đầu : Thờ cha mẹ hết lòng ấy là chữ hiếu ở trong luân thường ( ngũ luân + ngũ thường = luân thường ). 
              Hiếu đứng đầu trong trăm hạnh tốt ( hiếu  giả bách hạnh vi tiên) của thầy Tăng Tử. 

HIẾU THẢO  
 
                          Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên   
                        Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên       
                         Làm người phải hiếu Tổ tiên ông bà 
                         Làm con phải hiếu mẹ cha  
                         Làm cháu phải hiếu với bà với ông 
                         Làm người hiếu với Tổ tông 
                         Như  cây có cội như sông có nguồn 
                         Làm con nết đủ trăm đường  
                        Trước tiên hiếu thảo đạo thường xưa nay   
                                                Thạch Bi  Đỗ Như Nam 
 Đạo Lão thì “đức”  là sự thể hiện cái đạo ở con người. Đạo là lẽ phải trong cách sống giữa người với người gồm có đạo làm con, đạo vợ chồng, đạo thầy tro … 
                         Đạo làm con chớ hững hờ  
                Phải đem hiếu kính mà thờ mẹ cha     
Biết đạo là biết cư xử tốt đối với bản thân, gia đình, thân tộc, bạn bè xóm giềng, xã hội. Kẻ sống trái với lẽ phải  bị chê là người vô đạo, thất đức. Người tốt được khen là người ăn ở có đạo đức. Gia đình biết sống đạo đức không cho rằng của cải là tài sản bền vững truyền lại cho con cháu, ngược lại chỉ có “ đức” mới đáng dành cho mai hậu. 
Theo phép chiết tự, trong chữ Đức có chữ Tâm, chữ Mục, chữ Thập, chữ Xích. 
Tâm là trái tim. Trước đây lầm tưởng trái tim là chỗ suy nghĩ, lo lắng nên chuyện gì thuộc nghĩ ngợi đều nói do tâm. Tâm là tấm lòng, là tình thương, là tình cảm tốt làm cho con người có giá trị cao, có uy tín. Tâm là lòng thương yêu gia đình, gia tộc, quê hương, tổ quốc. 
Mục là mắt,  xem xét,  tin cậy,  thân thiết,  hoà thuận (hoà mục ). Gia đình hoà mục mọi việc nên.  
Thập là mười, là tăng gấp mười lần.  
Xích  là đỏ, là mừng, là phát triển.     
Vậy “đức” là lòng thương yêu, là sự nhìn xa thấy rộng, là vui mừng để phát triển sự tốt đẹp làm cho người có uy tín có giá trị cao. 
Tóm lại, “đức” là suy nghĩ  và hành động theo những điều thiện để  cho con người có uy tín, có giá trị cao
Muốn thể hiện chữ “ đức” thì  :  
Hãy làm cho người những gì ta muốn người làm cho ta. 
Điều gì ta không muốn thì đừng làm cho người. 
Nói rõ hơn : Muốn người tốt với ta thì ta hãy tốt với người.  
                     Ta giúp người thì người giúp ta. 
Tóm lại, người có đức là người khôn ngoan sáng suốt biết giữ mình, biết nâng cao hiểu biết, hiếu thảo, hoà nhẫn, tương thân, chung thủy, cần kiệm liêm chính, không cờ bạc rượu chè đàn điếm, có lòng danh dự, tự trọng, không ích kỷ, hẹp hòi. 
Có câu : Có đức không sức mà ăn   
Thật vậy, người có đức là người biết lo xa nghĩ kỹ ( cẩn tắc vô ưu ) thì  làm sao khó khổ. Một người tính bằng chín người làm. Một người biết lo bằng một kho người làm. Làm ăn không tính ở lính già đời. 
Có câu : Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Hiền ở đây là không hung dữ, mà còn có nhiều hiểu biết, tài năng. Hiền nữ là người con gái khôn ngoan. Hiền nữ kính phu là người con gái khôn thì quý trọng chồng. Hiền nhân là người có tài đức. 
Có câu : Đức trọng quỷ thần kinh. Nghĩa là người có đức thì quỷ thần cũng phải e ngại, nể vì. 
Lại có câu : Đức cao nhân trường thọ   
         Tâm hòa phúc tự lai.  
Nghĩa là người có đức thì sống lâu. Tâm tánh hiền hoà thì sẽ được may mắn, vui vẻ nên sống lâu ( Một nụ cười bằng mười thang thuốc). 
Cũng có câu : Tiên tích đức, hậu tầm long nghĩa là trước hết phải làm điều thiện rồi mới tìm long mạch theo thuật phong thủy. 
Có người cho rằng không nên để của cải nhiều cho con cháu. Nếu nó tầm thường có của cải nhiều sẽ làm mất ý chí, ỷ lại, lười biếng. Nếu nó khờ dại có của cải nhiều thì sẽ phung phí hư hỏng tạo nhiều tội lỗi. Họ cho rằng, nên để lại con cháu sự khôn ngoan, sức khỏe, ý chí, học vấn, kiến thức, nghề nghiệp thì con cháu sẽ được hạnh phúc lâu dài.  
Để của cải lợi tức không bằng để đức lại cho con.     
                    Tích đức lưu lại tử tôn.  
  Sách Minh Tâm Bửu Giám có câu :   
Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ   
Tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc   
Bất như tích ân đức ư minh minh chi trung   
Nghĩa là :
  Để vàng lại con cháu, chưa hẳn con cháu giữ được.   
Để sách lại con cháu, chưa hẳn con cháu đã đọc.   
Chi bằng để lại ân đức (sự khôn ngoan), để con cháu bớt u tối.  
Qua sự tìm hiểu trên thấy rằng “đức” quý hóa quan trọng biết bao và Tổ tiên ta thật sáng suốt khuyên con cháu làm được những điều thiện, khôn ngoan thì sẽ vẻ vang, bền vững. Hân hạnh thay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét