Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Tin tức nổi bật: CƠ GIỚI HOÁ NÔNG NGHIỆP Ở HẢI HOÀ

Tuy diện tích gieo trồng lúa mỗi vụ là 630 ha, nhưng toàn xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hiện có đến 107 máy nông nghiệp các loại và hàng trăm máy bơm nước tưới tiêu đồng ruộng. Đây là một trong số ít những địa phương trong tỉnh có tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt rất cao và hiệu quả.
      
Từ chiếc máy gặt đầu tiên...

Những ngày giữa tháng 5, cũng làthời điểm gặt rộ ở huyện Hải Lăng, chúng tôi về xã Hải Hòa. Trên cánh đồng lúa bao la, rộn rã tiếng máy như một công trường. Hàng chục chiếc máy gặt đập liên hợp hiện đại tỏa ra khắp cánh đồng thu hoạch lúa rất khẩn trương. Trên các tuyến đường nội đồng, những chiếc máy cày được cải tiến hối hả ngược xuôi vận chuyển lúa về tận từng hộ gia đình. Đây là một trong những xã trọng điểm lúa và là địa phương “đầu tàu” về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Hải Lăng nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Ông Nguyễn Đức Khương, Giám đốc HTX Hưng Nhơn,
người đã gắn bó gần 20 năm với hợp tác xã vừa ra thăm đồng, hỏi thăm bà con thu hoạch lúa vừa tự hào cho biết thôn Hưng Nhơn cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Trị có xã viên sở hữu máy gặt. Đó là chiếc máy gặt lúa xếp dãy khá thô sơ của nông dân Nguyễn Đức Tường mua về vào khoảng năm 2000 với trị giá 80 triệu đồng. Chiếc máy gặt này được ông Tường lặn lội vào tận tỉnh An Giang tìm hiểu và mua về để phục vụ bà con ở thời điểm mà các loại máy móc phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là máy gặt - vốn còn xa lạ đối với nông dân Quảng Trị. Ông Khương kể: “Chiếc máy gặt này giống với chiếc máy cày đất cầm tay hiện nay, phía trước được cải tiến và gắn bộ phận cắt lúa tương tự như chiếc tông-đơ cắt tóc vậy. Khi gặt, lúa được cắt và xếp dãy dọc ngay ngắn dưới mặt ruộng, bà con sau đó phải thu gom rồi bó lại gánh về. Hồi đó được như vậy là bà con mình đã cất đi được một công đoạn nặng nhọc, bởi công việc gặt lúa thủ công rất mất nhiều thời gian và công sức”. Ông Khương cho biết thêm, nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh thời điểm ấy nghe tin xã Hải Hòa có chiếc máy gặt đầu tiên đã vào tham quan, thăm hỏi, động viên bà con nông dân rất nhiều, ai cũng tự hào và phấn khởi.

Từ chiếc máy gặt thô sơ tiên phong ấy, phong trào cơ giới hóa trong nông nghiệp ở xã Hải Hòa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay. “Từ khoảng hơn 10 năm nay, nhiều hộ nông dân của xã đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc phục vụ nông nghiệp. Từ những loại máy cày cầm tay thô sơ, máy gặt loại nhỏ, đến nay hầu hết đã được thay bằng những loại máy hiện đại. Đến thời điểm này, thống kê sơ bộ toàn xã có 107 máy cơ giới phục vụ nông nghiệp các loại (40 máy gặt đập liên hợp hiện đại, giá từ 300-550 triệu đồng/máy; 27 máy cày loại lớn, 40 máy cày tay)…
Ngoài ra hàng trăm hộ gia đình ở địa phương cũng tự mua máy bơm nước để chủ động phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng khi gặp thời tiết bất lợi”, anh Cái Văn Cư, quyền Chủ tịch UBND xã Hải Hòa cho hay. Xã có 5 thôn, trong đó thôn Hưng Nhơn và An Thơ là 2 thôn có phong trào cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh nhất. Ông Khương cho biết, HTX Hưng Nhơn có 240 hộ, có diện tích lúa là 208 ha nhưng đã có đến 10 máy gặt đập liên hợp, máy cày lớn 15 chiếc, hàng chục máy cày tay, 70 máy bơm nước. “Tỷ lệ hộ có các loại máy cơ giới nông nghiệp của thôn, xã chúng tôi đạt rất cao, bởi vậy người dân bây giờ hầu như không phải lo trễ mùa vụ, sợ mưa lũ gây thiệt hại”, ông Khương nói. Cũng nhờ có máy móc cơ giới đầy đủ, hiện đại như vậy nên các khâu chính trong nông nghiệp như làm đất, thu hoạch lúa của xã Hải Hòa được thực hiện rất nhanh. Quyền Chủ tịch UBND xã Hải Hòa Cái Văn Cư khẳng định: “Dù diện tích gieo trồng lúa mỗi vụ của xã chiếm gần 1/10 tổng diện tích của toàn huyện, mỗi hộ ít nhất có 0,5 ha, nhiều nhất có 3 ha nhưng tôi đảm bảo chắc chắn việc thu hoạch lúa của xã những năm gần đây chỉ diễn ra trong vòng 1 tuần là xong. Thời gian làm đất và gieo trồng cũng diễn ra nhanh tương tự”.





Mỗi người nông dân là một “kỹ sư cơ khí”

Ngoài là địa phương có phong trào cơ giới hóa nông nghiệp diễn ra mạnh thì Hải Hòa còn là nơi có nhiều nông dân có tay nghề cao trong sửa chữa, cải tiến cơ khí, máy móc nông nghiệp… Quyền Chủ tịch UBND xã Cái Văn Cư nói vui “Ở Hải Hòa thì mỗi người nông dân sở hữu máy móc nông nghiệp đều là một người kỹ sư”. Bởi theo anh Cư hầu hết những người chủ máy đều biết sửa chữa những hỏng hóc cơ bản của loại máy mà mình sở hữu. Ngoài ra những người có tay nghề cao còn đứng ra mở thêm cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp, rồi cải tiến thêm các công năng của một số loại máy như máy cày lớn, máy cày tay để phục vụ sản xuất. “Ví như chiếc máy cày lớn thì họ cải tiến gắn thêm bộ khung sắt chắc chắn bao quanh để vận chuyển lúa bao vào mùa thu hoạch rất thuận tiện (chở từ 30-40 bao lúa/chuyến); cải tiến bộ cày bừa đất gắn đằng sau để giảm bớt thời gian, chi phí làm đất; cải tiến để gắn moóc kéo đằng sau phục vụ vận chuyển hàng hóa các loại… Toàn xã có hiện có nhiều cơ sở sửa chữa cải tiến máy móc nông nghiệp như thế. Trong số đó có nhiều người chủ “kỹ sư nông dân” có tay nghề cao như ông Nguyễn Đức Tường, Nguyễn Đức Anh, Lê Thôi, Nguyễn Công Hiến, Nguyễn Công Vũ…”, anh Cư vui vẻ cho biết.
Nhờ kinh nghiệm canh tác lúa lâu đời với trình độ cao, diện tích trồng lúa lớn, liền đồng liền thửa, cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh và đồng bộ mà người dân xã Hải Hòa thật sự sống được và khá lên nhờ cây lúa. Cùng chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa bát ngát đã chín rộ ở thôn Hưng Nhơn, Quyền Chủ tịch UBND xã Cái Văn Cư và Giám đốc HTX Hưng Nhơn Nguyễn Đức Khương đều phấn khởi cho biết năm nay nông dân địa phương “trúng mùa kép”: Được mùa và được giá. “Năm nay năng suất lúa của xã đạt 67 tạ/ha, cao hơn bình quân của toàn huyện rất nhiều. Tổng sản lượng lúa của xã ước đạt trên 4.200 tấn. Khái toán với mỗi héc ta lúa thu được 67 tạ/ ha, chi phí sản xuất bình quân 50%, còn lại nông dân lãi 50%. Tính cụ thể ra với mức giá lúa 6.200 đồng/kg như đầu vụ năm nay thì sau khi trừ mọi chi phí nông dân thu lãi được 3,33 tấn lúa/ha (qua đó lãi ròng được khoảng 20 triệu đồng/ha). Xã chủ yếu “độc canh” giống lúa Ma Lâm 48 (chiếm trên 90% tổng diện tích), có năng suất cao, phù hợp với địa phương và đầu ra thuận lợi, ổn định nên bà con rất phấn khởi”, anh Cư cho biết thêm.
Vào vụ thu hoạch, mỗi máy gặt đập liên hợp ở địa phương đảm trách gặt bình quân được khoảng từ 20- 25 ha, mỗi héc ta có tiền công là 2 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu, nhân công thì mỗi máy có thu nhập từ 20-25 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, do là địa phương gặt sớm, nhanh nên các chủ máy còn có thời gian để đi gặt thuê cho các địa phương trong tỉnh và cả các tỉnh khác như Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình… để nâng cao thu nhập. Có máy đi gặt thuê ngoài địa phương được diện tích lên đến 40-50 ha, mang lại nguồn thu nhập thêm hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Những người có máy cày cải tiến chuyên phục vụ vận chuyển lúa cho bà con nông dân cũng thu được bình quân từ 10-15 triệu đồng/vụ. Là xã thuần nông vùng trũng, đời sống chủ yếu dựa vào cây lúa và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nhưng nhờ tính năng động, sáng tạo và nhạy bén mà người nông dân xã Hải Hòa đã thật sự sống được và khá lên là điều rất đáng mừng.
Có điều đặc biệt ở xã Hải Hòa là hầu hết mọi việc đồng áng đều do người đàn ông đảm trách, người phụ nữ chỉ ở nhà lo nội trợ, chăm lo con cái, làm thêm việc lặt vặt hay buôn bán và vào mùa thu hoạch thì chỉ việc phơi lúa. Người dân địa phương cho biết điểm lạ này đã diễn ra từ lâu rồi. Khó có thể lý giải thấu đáo vì sao người phụ nữ nông dân ở xã Hải Hòa lại thảnh thơi, ít chân lấm tay bùn như vậy. Nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, nhờ cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh nên đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập và khiến cho việc đồng áng, mùa màng vốn cực nhọc trước đây trở nên nhẹ nhàng, giản đơn như hiện nay.

                                                                                           ĐỨC VIỆT

1 nhận xét: