Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Thơ sưu tầm

Eng đi út dớ, út thương
Thương eng út gói quê hương gởi vào
Vả, cà, béng ướt, cá rào
Món chi eng thích út nào mô quên
Dững hôm mười sáu trăng lên
Ra chờn út ngủ bên thềm ngắm sao
Canh khuya gà cáy lao xao
Eng chừ còn dớ hôm nào ngủ chung?
Dững đêm mưa gió bạo bùng
Tranh nghèo mái lá lạnh lùng xác xơ
Thiếu ăn giấc ngủ dật dờ
Đôi khi đáy trấm nằm mơ ướt quần...
Eng đi từ thuở còn xuân
Bây chừ cũng sắp tứ tuần rồi eng
Ở dà ai cũng cheng veng
Cấy chi Mạ cũng để đèng gởi cho...!
PKH  





Nấm Tràm – đắng đậm đà như vị đắng miền Trung.

Hôm qua lướt qua facebook, thấy nhỏ bạn cùng quê đăng tấm hình có tô canh nấm – Nấm Tràm, một loại nấm mọc đúng nghĩa “như nấm sau mưa” trên những vùng đồi thoai thoải ở quê hương, thấy nhớ. Nhớ cái tuổi thơ đợi những ngày mùa hạ, sau một năm học cà tởng cà tơng, tự dưng lại được đứng hàng nhất lớp. Hồi đó hình như thầy cô ưu ái trò nghèo mà đẹp trai hay sao ấy. Nói ra người ta lại cười cho, bảo thằng này lại khuôn mẫu lời lẽ của những thằng học giỏi: thực sự là em không học quá nhiều, em chỉ về nhà học bài và làm bài tập trong sách giáo khoa, mà thế méo nào em cứ năm nào cũng lên bục lãnh thưởng! – Họ cười cho đó Thiệu ah! cười ahihi. Nhưng đó là sự thật!:)


Thật vậy mà, hồi còn nhỏ cấp 1 cấp 2, thường thì sau giờ học, mình thường hay về nhà phụ giúp ông bà việc vườn tược, gà vịt, chim muông. Mình cũng thích la cà đây đó lắm, chỉ đơn giản là vài quả đồi cát gần trường chơi trốn tìm, rượt đuổi hay đá banh với đám bạn thôi, nhưng ít khi được. Có hôm, đánh đại la cà chơi, về đến nhà khi trời đã sập tối, vịt dưới hồ còn chưa kịp lùa lên khi nước lũ đã ê chề, mình được ngay mấy hèo chổi vào lưng, rồi nuốt nước mắt vào trong, băng băng qua những con đập đất chắn những hồ quanh nhà để gào thét trong mưa gọi bầy vịt… Từ lúc ấy, mình thấy mưa có thể làm bạn với mình, chí ít là sẽ che đi những dòng nước mắt buồn tủi của một thằng con trai…


Trở lại với Nấm Tràm, cái tên cũng nói lên địa bàn làm ăn của chính nó. Nấm thường mọc ở những khoảng rừng có cây tràm sinh sống, loại Tràm Gió nguyên thủy, thân có lớp vỏ như giấy lụa bọc quanh, lá nhỏ và nhọn hoắt, cây thường mọc cong queo, nếu mọc một mình thì sẽ thành dạng bụi. Loại tràm này thuộc một họ với tràm ở các vùng miền Tây như U Minh, Tràm Chim, Trà Sư… Tuy vậy, tràm miền Tây phù sa no đủ nên cây nào cây nấy tựa những cột trụ trời. Còn tràm miền Trung, sống trên những quả đồi sỏi đá, cây leo teo cỡ vài ba mét, có cây bon chen lắm mới cao được năm sáu mét, nhưng thân hình lại gầy gò tong teo. Dạo đó, người ta đã phá rừng tràm nguyên sinh ở quê mình khá nhiều rồi. Họ dùng đất rừng trồng cây keo lai hoặc cây Tràm hoa vàng. Những loại cây này sinh trưởng rất nhanh, cho năng suất gỗ lớn, là nguyên liệu đầu vào ngành giấy hoặc ván ép, gỗ dăm. Nấm Tràm lúc này không chỉ còn là Nấm Tràm nguyên sinh nữa, mà còn mọc dưới những tán keo lai, sim và vô số loài cây dại.

Lá tràm rụng xuống vào mùa khô, phủ đầy trên mặt đất. Phần ở dưới có chút ẩm, sẽ mục ruỗng dần thành mùn đất, là nguồn dinh dưỡng cho cây cỏ và Nấm Tràm về sau. Đầu mùa hạ, khi những cơn mưa rào ập đến kèm giông tố, cũng là lúc người quê tôi hớn hở chuẩn bị làn nhựa, làn tre và bao tải để lên núi lượm nấm về nhà. Người quê tôi gọi là “lượm nấm”, chứ không phải là “hái nấm”, bởi cái giọng miền Trung chân chất nói đúng nghĩa đen: nấm trồi lên la liệt khỏi mặt đất, ta chỉ cần ngồi và lượm mà thôi. Với kinh nghiệm tuổi thơ đi lượm nấm và ăn nấm, tôi nhận ra rằng, nấm mọc dưới những khu có tràm gió nguyên sinh thường đắng thanh thanh xen vị ngọt hơn nấm mọc dưới rừng trồng keo lai, mang vị đắng gắt gao và sắc sảo. Nấm mới lên được gọi là nấm búp, tai nấm hãy còn khép nép vào thân, màu nâu thẫm đến tím. Người ta thích lượm nấm búp hơn vì nó chắc chắn, để được lâu nên có thể chờ vài hôm ra chợ bán. Còn nấm lớn, đã phát triển sau vài ngày mưa thì tai nấm lớn bành ra như chiếc dù bung hết cỡ, màu nâu nhạt. Nấm khi này dễ bị gãy, nhàu nát khi được xếp vào bao, vào làn. Vì dễ hư hỏng, nên nấm này thường để ở nhà ăn, ít khi được mang ra chợ bán, hoặc mang ra bán với giá rẻ bèo.

Nấm Tràm cũng mang điệp khúc: được mùa mất giá như bao loại nông sản trên đất nước Việt Nam ta, cuối cùng cũng chỉ người nông dân khổ. Mùa nào nấm bội thu, dọc đường sá chợ búa bày ra buôn la liệt, nhà nào cũng có nấm, người nào cũng có nấm, ấy vậy mà người ta vẫn mang ra chợ để bán buôn. Nhiều hôm, chị nọ rổ nấm ế chề từ sáng đến trưa, mang đi quanh cho mỗi người một nắm. Ai cũng hớn hở nhận, dù về đến nhà, nấm tràn từ trong bếp, ra đến tận ngoài sân phơi. Nhắc mới nhớ, người ta phơi nấm này để ăn dần vào mùa mưa nữa. Tôi còn nhớ, nấm còn tươi được luộc qua cho bớt đắng, rồi xào cùng mắm muối; hoặc bá cháy nhất là nấu canh với tép tươi, rau muống nước hoặc với đọt khoai lang. Dẫu đắng lắm, nhưng xa quê tôi vẫn nhớ món canh ấy nhất nhì. Cảm giác khi húp canh, vị đắng thanh thanh xen chút ngọt (ngọt do lòng mình cảm nhận) còn vương đây trên đầu lưỡi. Thân, và đặc biệt là tai nấm luộc chín sẽ hơi nhầy, trơn tuột vào trong cổ họng tự lúc nào chẳng hay. Cái hay của Nấm Tràm, là khi ăn chưa phải khi đắng nhất. Lúc ăn xong, uống một ngụm nước vào, bạn mới cảm nhận tột cùng cái nồng nàn của đắng, cái đậm đà cũng của đắng luôn, và cũng cảm nhận luôn cái đắng cay của đắng! Đắng thật sự!

Mùa mưa đến, Nấm Tràm khô được mang ra ăn tạm trong những ngày gió lạnh. Khi có bão, nấm khô, cá khô, tép tôm khô như người bạn đồng hành chính hiệu của nhà tôi, của nhà hàng xóm tôi. Gió rít từng hồi trên mái tôn se sắt, mưa xốc từng đợt vào những khe ngói nghiêng nghiêng. Nước lũ dâng lên cuồn cuộn, đục ngàu màu phù sa và rác rưởi. Chiếc giường gỗ keo lai kê lên chín mười cục gạch nữa, nước vẫn mấp mé như chực táp vào lưng đứa trẻ đang háo hức vì được nghỉ ngơi! Lũ, và lụt, hồi ấy đôi khi cũng là bạn của tôi, khi ấy tôi không phải làm đồng và vườn nữa!:)

Trong màn đêm đen, dưới bóng ngọn đèn dầu hiu hắt, giữa con nước dữ và gió lốc quay cuồng, chảo Nấm Tràm khô xào cùng miến gạo pha bột lọc, xen lẫn vài con tép đồng vừa cất vó được chiều nay như xé tan lòng tôi vậy. Ai cho dân quê tôi những mùa thu bộn bề bão lũ, những mùa hạ nắng cháy tột cùng, những mùa đông dầm dề suốt tháng, những mùa xuân buốt giá với mưa phùn. Đến món ăn cũng đắng đậm đà rất riêng chất Quảng Trị, giờ thì cá quê tôi cũng chết dạt hết rồi!

Nấm Tràm đắng, đắng không thua bất kỳ cay đắng nào của cuộc sống mưu sinh, người vùng đất quê tôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét