Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Thuận vợ thuận chồng, vượt lên nghèo khó

TỐI NAY LƯỚT WEB,THẤY BÀI VIẾT ĐĂNG TRÊN TRANG CỦA BÁO QUẢNG TRỊ NÓI VỀ NGƯỜI CỦA LÀNG MỀN.XIN ĐĂNG LẠI TRÊN BLOG ĐỂ MỌI NGƯỜI CÙNG ĐỌC


Thuận vợ thuận chồng, vượt lên nghèo khó

Ngày cập nhật: 22/03/2012 11:55:53 SA



(QT) - Thuận vợ thuận chồng, đó là yếu tố làm nên thành quả ngày hôm nay của gia đình chị Nguyễn Thị Thu và anh Lê Văn Trình ở thôn Hưng Nhơn, Hải Hòa, Hải Lăng (Quảng Trị). Anh chị sinh ra và lớn lên ở làng quê chiêm trũng Hưng Nhơn vì thế cuộc sống luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Sau khi kết hôn, tài sản đôi vợ chồng trẻ chỉ là ngôi nhà tranh dựng tạm trên mảnh đất mà xung quanh đều là những ao nước quanh năm ngập úng. Để bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, hàng ngày anh chị thay nhau vừa lo việc đồng áng vừa tranh thủ gánh đất về lấp đầy các ao nước quanh nhà. Xong lại gánh rơm rạ, lá cây khô về rải lên rồi đốt thành tro để tạo mùn cho đất.

Đất vườn sau khi được cải tạo anh chị dùng trồng rau để nuôi lợn và gà. Đất trũng sâu chăn nuôi ít hiệu quả hơn trồng lúa nên anh chị không làm trang trại nhưng trong nhà luôn có khoảng 10 con lợn và hơn 100 con gà vừa để bán vừa để phục vụ nhu cầu của gia đình. 

Mỗi ngày anh Trình đều ra thăm ruộng lúa của gia đình.

Sống trong vùng chiêm trũng nên thâm canh cây lúa là hoạt động kinh tế chính của gia đình. Ngoài 1 mẫu ruộng khẩu phần gia đình anh chị còn thuê thêm 2 mẫu ruộng của hợp tác xã để làm. Nhà chỉ có hai vợ chồng là lao động chính nên công việc phải luôn tay luôn chân.

Nhớ lại những lúc ấy, chị Thu tâm sự: “Hai vợ chồng lúc đó còn trẻ, các con còn nhỏ nên suốt ngày đầu tắt mặt tối không có thời gian nghỉ ngơi. Những lúc mệt mỏi vợ chồng chỉ biết động viên, khích lệ nhau cùng cố gắng”. Nhờ chăm chỉ và chịu khó, mỗi năm anh chị thu được gần 20 tấn lúa cho 2 vụ.

Lúa sản xuất được phần lớn anh chị đóng gói bán cho các đầu mối thu mua. Sống trong vùng thâm canh lúa, anh chị nhận thấy nhu cầu bán lúa sau mỗi vụ thu hoạch của bà con rất lớn. Vì thế hàng ngày sau khi đã hoàn tất các công việc nhà chị lại tất bật kéo xe đi thu mua lúa quanh vùng về bán lại cho các mối quen.

Hiểu được những vất vả của công việc đồng áng nên không bao giờ chị Thu ép giá, bởi thế mà bà con luôn tin tưởng khi bán lúa cho chị. Về phần mình, hàng năm tranh thủ 3 tháng nông nhàn sau vụ gặt anh Trình lại vào Tây Nguyên chăm sóc vườn cây cho người quen. Những chuyến đi làm xa như thế tuy vất vả nhưng anh cũng tích cóp được hơn chục triệu đồng đem về phụ chị lo việc nhà.

Năm 1998, sau nhiều năm chăm chỉ làm việc và tích góp anh chị đã có đủ tiền để mua một máy cày và một máy bơm nước. Gia đình anh chị là một trong ba hộ gia đình đầu tiên tại Hưng Nhơn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ ngày có thêm máy móc phục vụ sản xuất hiệu quả kinh tế của gia đình anh chị tăng lên đáng kể. Ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình anh còn nhận làm dịch vụ cho những hộ khác. Những năm trở lại đây hàng năm anh chị đều tích lũy được gần 200 triệu đồng.

Nhìn lại những thành quả có được ngày hôm nay, anh Trình tự hào nói: “Không ai ngồi không hay làm việc cầm chừng mà có được cơ ngơi, sản nghiệp. Để có được như hôm nay vợ chồng con cái chúng tôi đã không ngừng nỗ lực làm việc, động viên khích lệ nhau những lúc khó khăn”.

Nhờ tảo tần và biết đồng sức, đồng lòng mà gia đình anh chị đã có một cơ ngơi khang trang, các con có điều kiện để học tập đến nơi đến chốn. Gắn bó với hạt lúa và giàu lên nhờ hạt lúa, tinh thần đồng cam cộng khổ, vượt qua khó khăn của vợ chồng anh Lê Văn Trình và chị Nguyễn Thị thu đáng để mọi người noi gương học tập.

                                                     Bài, ảnh: NGUYỄN LỆ XUÂN

1 nhận xét:

  1. Eng biết Nguyễn Lệ Xuân này là ai khôn? răng đọt bài mô liên quan đến làng mền là bài của Người này viết???làng mền cũng có mấy nhà báo nhưng khôn biết công tác ở mô-

    Trả lờiXóa