Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

BẢN HƯƠNG ƯỚC LVH HƯNG NHƠN

( Hôm qua, dự lễ bàn giao Thôn trưởng, có dịp xem một số sổ sách có liên quan đến Làng, nhân tiện đánh lại và post lên để mọi người cùng xem Bản Hương Ước Làng Văn Hoá Hưng Nhơn(nguyên văn). Sau bài viết này, toàn bộ nội dung của Bản Hương ước sẻ được dán mặc định ở cuối trang Blog này, để lúc cần  mọi người có thể tìm kiếm một cách nhanh nhất )


LỜI NÓI ĐẦU


Làng Hưng Nhơn thuộc Xã Hải Hoà, Huyện Hải Lăng,Tỉnh Quảng Trị, được hình thành cách đây khoảng 500 năm, trải qua quá trình lịch sử khai phá thành lập làng, các thế hệ đã nối tiếp nhau vượt qua bao gian lao thử thách để xây dựng nên làng tươi đẹp như ngày nay
Để thừa kế,phát huy các truyền thống tốt đẹp của làng,cũng như thực hiện tốt cuộc vận động của Đảng - Nhà nước về xây dựng làng văn hóa-gia đình văn hoá nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của nhân dân, của gia đình trong sản xuất, trong sinh hoạt và hưởng thụ văn hoá, đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân.tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh phù hợp với sự đổi mới về cơ chế tổ chức và sự phát triển kinh tế-chính trị-xã hội ở địa phương, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,văn minh” do Đảng CSVN đề xướng và lãnh đạo.
Bản Hương ước này gồm 5 chương, 31 điều: đã được toàn thể dân làng nhất trí thông qua.

****************************



CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng,phạm vi thực hiện của hương ước này là mọi công dân đang sinh sống trong cộng đồng dân cư làng Hưng Nhơn
          Điều 2: Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. mọi người trong gia đình phải có trách hiệm đối với nhau. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cháu,con cháu phải tôn kính, phụng dưỡng ông bà,cha mẹ. vợ chồng phải bình đẳng, thuỷ chung,hoà thuận. khi ốm đau phải tận tình chăm sóc nuôi dưỡng,không được ruồng bỏ, bội bạc.triệt để xoá bỏ tệ đánh đập vợ chồng,con cái. người nà có hành vi vi phạm thì làng đưa ra kiểm điểm trước toàn dân và đề nghị chính quyền xử lý theo pháp luật.
          Điều 3: Đối với Làng xóm, mọi người phải sống thân mật, đoàn kết, không phân biệt Họ Tộc.bè phái. phải biết giúp đỡ nhau khi thiên tai hoạn ạn,giúp đỡ người nghèo khó bị tai nạn, ốm đau,bệnh tật.mọi xích mích tranh chấp cần được bàn bạc với nhau để giải quyết, không gây thù oán lẫn nhau

          Điều 4: Cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải cho con em mình đi học, ít nhất cũng phải tốt nghiệp THCS.
          Nhằm khuyến khích, động viên con em trong làng học tập có thành tích đặc biệt xuất sắc khi đạt giải học sinh giỏi,từ cấp tỉnh trở lên, các em thi đổ vào các trường đại học cao đẳng, làng vận động các họ tộc, đoàn thể động viên, khen thưởng.
          Điều 5: Nam,nữ khi xây dựng gia đình phải chấp hành đúng luật hôn nhân và gia đình. vợ chồng phải thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình,phấn đấu mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt, trở thành người hữu ích cho xã hội
          Điều 6 : Ban điều hành làng văn hoá hoạt động dưới sự chỉ đạo của đảng uỷ, chính quyền địa phương,trực tiếp là chi bộ đảng.
          Ban điều hành làng có trách nhiệm vận động toàn dân giúp nhau phát triển về kinh tế- xã hội.

MỘT GÓC LÀNG NGÀY NAY

CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

          Điều 7: Gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất phải chấp hành đúng các quy định của luật đất dai. người nào có hành vi vi phạm, làng đề nghị chính quyền xử lý theo luật định.
          Điều 8: Địa hình của làng là vùng thấp trũng,do vậy ban điều hành làng quy định như sau:
- Gia đình nào có nhu cầu lấy đất làm nền nhà ở và sân phơi phải trình báo với ban điều hành làng.
- Điểm lấy đất do BĐH làng quy định, nếu người nào vi phạm, làng sẽ phê bình trước toàn dân, trường hợp tái phạm, làng đề nghị chính quyền xử lý theo pháp luật.
Điều 9: Các gia đình phải có trách nhiệm bảo vệ đất thổ cư của mình và ranh giới liền kề, không được lấn chiếm của người khác: có ý thức tôn trọng vì lợi ích kinh tế của nhau.

MỘT GÓC LÀNG NGÀY NAY
Điều 10: Khi thu hoạch,làng đề nghị mọi người không được để rơm rạ, đổ rác và các vật dụng khác ra đường làm cản trở giao thong đi lại và ô nhiễm cảnh quan môi trường.
Điều 11: Để bảo vệ đi lại, mọi người không đựơc để rảnh dẩn thoát nước băng qua đường, các gia đình khi đặt cống thoát nước phải được sự đồng ý của BĐH làng. Gia đình nào vi phạm, làng cảnh cáo, phê bình trứoc toàn dân,. Nếu tái phạm đề nghị chính quyền xử lý. mọi phương tiện giao thông trên các tuyến đường kiệt phải đảm bảo theo quy định về trọng tải dưới 3 tấn.
Để đảm bảo tuyến đê Hậu Bạng mà trước đây cha ông ta tạo ra để che song, chắn gió bảo vệ tính mạng và tài sản của dân làng trong mùa mưa bão, cấm mọi người không được chặt phá, đào bới cây làm cảnh…,người nào vi phạm. làng đưa ra cảnh cáo phê bình trước toàn dân và đề nghị chính quyền xử lý theo pháp luật.
Điểu 12: Các loại thuyền máy khi lưu thong trên các tuyến hói của làng phải tắt máy, tránh gây sạt lở đường và tránh tình trạng đất các sạt lở lấp các tuyến hói, trọt. các hộ gia đình các nhân không được làm trại chăn nuôi gia cầm trên cánh đồng, đặc biệt là trên các tuyến đê, đất màu…khi chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền quy định.
Điều 13: Không được mai táng, cải táng xây dựng lăng mộ trên diện tích đất canh tác, vùng nghĩa địa được làng quy định các khu vực sau đây : Cồn Ông Tuý, Gia Muội, Đất Thánh, Mồ Trần, Mồ Kiềm xứ và Ông Ngò Khoảnh. Khi có nhu cầu đổ đất thành phần, phải được sự chấp thuận của chính quyền mới được đổ.
Mọi người có trách nhiệm bảo vệ và ngăn ngừa mọi hành vi lây đất và đào phá các tuyến đê của làng: đào lấp đất xuống kênh mương, hói, trọt, đường giao thong nội đồng…người nào vi phạm, làng buộc bồi thường thiệt hại đúng giá trị đã gây ra và đề nghị chính quyền xử lý theo pháp luật.
Điều14: Làng khuyến khích hộ, nhóm hộ phát triển các ngành nghề mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi,cải tạo vườn tạp, giúp nhau xoá đói giảm nghèo.
Điều 15: Các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm phải tuân thủ việc tiêm phòng dịch bệnh. Gia súc chết vì dịch bệnh phải đem chôn và xử lý theo sự hướng dẫn của thú y.
Làng khuyến khích các gia đình chăn nuôi gia súc,gia cầm, nhưng không được thả rong gây thiệt hại đến kinh tế của người khác.nếu để gây thiệt hại thì gia đình có gia súc gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị gây hại theo giá trị đã gây ra, đồng thời làng phê bình và đưa ra kiểm điểm trứơc toàn dân.
Những gia đình có nuôi chó phải tiêm phòng dại,nếu để cắn người thì chủ nuôi phải chịu mọi trách nhịêm đối với người bị hại.

HÌNH ẢNH  TRONG MỘT BUỔI LỄ THANH MINH TẠI ĐỀN ÂM HỒN LÀNG

CHƯƠNG III
NẾP SỐNG VĂN HOÁ

Điều 16: Hàng năm, Làng tổ chức tế Lễ Tổ Tiên vào Tiết Đông Chí tại Đình Làng và tảo mộ âm hồn vào tiết Thanh minh tại Miếu âm hồn.
Để tỏ lòng tôn kính, toàn thể dân làng phải đến viếng và dâng hương
Điều 17; Trong các ngày lễ lớn của đất nước và lễ hội truyền thống của làng, mọi gia đình phải treo cờ tổ quốc ở vị trí trang trọng nhất.
Điều 18: Làng khuyến khích xây dựng câu lạc bộ văn hoá, thể dục thể thao, các điểm vui chơi giải trí, mọi người có điều kiện phải tham gia đầy đủ.
Điều 19: Khi tổ chức lễ cưới hỏi, cúng giỗ, mọi gia đình trong làng phải triệt để tiết kiệm, chống đua đòi, lãng phí.
Điều 20: Khi có người qua đời, gia đình phải báo với BĐH của Làng để BĐH tiến hành thành lập ban lễ tang…
Linh cửu quàn tại nhà không quá 72 giờ: trường hợp người chết do các bệnh truyền nhiễm, phải thực hiện đúng sự chỉ dẫn của cơ quan y tế và không để quá 24 giờ.
          Cần giảm bớt các thủ tục trong lễ tang, không được tổ chức ăn uống cho khách đến viếng; không tổ chức ăn uống khi chưa đưa tang.
Điều 21: Toàn thể dân làng khi được triệu tập học tập đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước và các chủ trương, chính sách của địa phương thì phải tích cực tham gia đầy đủ.
BĐH Làng coi đây là một tiêu chuẩn xét đề nghị cấp trên công nhận gia đình văn hóa.
Điều 22 : Đình, Chùa, Miếu, Vũ, Lăng tẩm và các công trình văn hoá khác, mọi người dân phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. ai xâm phạm, làng buộc phải bồi thường và bị phê bình cảnh cáo trước toàn dân. Nếu cố tình vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng, làng lập biên bản đề nghị chính quyền xử lý theo quy định của Pháp luật.

CHƯƠNG IV
AN NINH TRẬT TỰ VÀ GIỮ GÌN VỆ SINH,
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 23 : Các quán kinh doanh, dịch vụ ăn uống, giả khát phải chấp hành đúng quy định của pháp luật. để tôn trọng sự yên lặng và bảo vệ sức khoẻ của mọi người, các quán Karaoke và các gia đình có radio, casset nếu sau 22 giờ còn sinh hoạt thì điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe. Nếu gia đình nào không chấp hành, làng đề nghị chính quyền nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 24: Mọi gia đình, cá nhân phải chấp hành về đăng ký quản lý hộ tịch,hộ khẩu( khai sinh,khai tử, kết hôn và tạm trú, tạm vắng) đúng quy định.
Điều 25: Thanh niên trong làng đúng tuổi nghĩa vụ quân sự phải đăng ký, nếu có lệnh tuyển quân phải tham gia đầy đủ. Quá trình tại ngũ không được đào ngũ, bỏ ngũ. Mọi người có trách nhiệm khuyến khích, động viên con em làm tốt công tác nghĩa vụ quân sự, gia đình nào có con em vi phạm sẽ bị làng phê bình.
Điều 26 : Mọi người có ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, không đổ rác, chất thải, các đọng vật ra đường, kênh mương, sông hói…Thực hiện tốt các quy định  sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Điều 27 : Hàng năm, làng có kế hoạch trồng cây phòng hộ và cây bóng mát ở các nơi đã được quy hoạch của làng. Nghiêm cấm mọi người chặt phá. Nếu ai vi phạm thì tuỳ theo mức, làng có biện pháp xử lý.

ĐÌNH LÀNG HƯNG NHƠN
CHƯƠNG V
TỔ CHỨC – TÀI CHÍNH THI HÀNH

Điều 28 : Ban điều hành Làng văn hoá Hưng Nhơn gồm :
Đại diện cấp uỷ, Thôn trưởng, BQL-HTX, các tổ chức đoàn thể. BĐH bầu ra trưởng ban, phó ban và các thành viên.
Nhiệm kỳ của BĐH Làng là 2 năm, kể từ ngày được cấp trên công nhận là Làng văn hoá.
Ban điều hành chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động và theo dõi nhân dân thực hiện Hương ước.
Để thuận lợi trong việc điều hành, làng chia ra 4 khu vực ( theo địa bàn xóm), mỗi khu vực bầu ra trưởng xóm.
          Hàng năm làng tổ chức sơ kết và bình xét gia đình văn hoá để đề nghị cấp trên khen thưởng, công nhận gia đình văn hoá.
Điều 29: Để có kinh phí hoạt động thường xuyên của BĐH làng cũng như xây dựng tôn tạo lại các di tích lịch sử và tổ chức các ngày lễ truyền thống của làng, BĐH làng vận động toàn dân tham gia đóng góp 1 năm 1 kg thóc/ nhân khẩu. đồng thời đón nhận mọi sự đóng góp khác của các tổ chức, các nhân đối với làng
Điều 30: Hàng năm, BĐH làng công khai tài chính trước toàn dân. người nào vi phạm buộc phải đền bù và bị trừ ra khỏi BĐH. Đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo luật định.
Điều 31: Hương ước này được thông qua toàn thể dân làng và được UBND Huyện ra quyết định phê chuẩn số 495/1998/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 1998 của UBND Huyện Hải Lăng

BĐH LÀNG VĂN HOÁ HƯNG NHƠN

2 nhận xét:

  1. ..."vùng nghĩa địa được làng quy định các khu vực sau đây : Cồn Ông Tuý, Gia Muội, Đất Thánh, Mồ Trần, Mồ Kiềm xứ và Ông Ngò Khoảnh..." Cồn mộ Nậy không cho chôn, vì răng Eng?

    Trả lờiXóa
  2. cái đó thì em không rỏ, ở đây em chỉ đánh lại nguyên văn trong quyển "hưong ước lvh HN" thôi.sau khi đọc nhận xét của anh, em đã kiểm tra lại rồi, mà cũng chỉ có như vậy.có dịp gặp mấy ông trên làng em sẻ đem ra hỏi,
    chào anh Quốc !

    Trả lờiXóa