ĐẠI ĐỨC THÍCH THÔNG MINH Nguyên quán: Hưng Nhơn-Hải Hoà . Hiện là Trụ Trì Chùa Trà Nam Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam |
HAI CHÚ NHỎ
Chú Như được sinh ra và lớn lên ở vùng đất đầy máu
lửa, mãnh đất mà đến bây giờ vẫn còn nhiều vết tích của chiến tranh, mãnh đất
đầy khô cằn bởi hạn hán và ảnh hưởng gió Lào. Chú biết đến Hội An là nhờ người
Cậu đang sinh sống tại đây. Khi đặt chân đến Hội An, chú vẫn không biết mình có
đi xuất gia được hay không và càng không biết xin ở đâu. Sau hai, ba ngày dẫn
đi quanh Hội An để thăm viếng các cảnh chùa, Cậu chú quyết định xin ở Pháp Bảo.
Chú Như còn ngớ ngẫn như vẻ không hiểu tại sao Cậu lại xin ở Pháp Bảo, cậu liền
giải thích: “Ở đây tui biết nhiều
Thầy, nhiều chùa, nhưng tui xin ở chùa Pháp Bảo không phải vì chùa đó nằm ở
trung tâm Thị xã mà tui nghe nói Thượng tọa trú trì ở đó cho mấy chú ăn học đầy
đủ”. Nghe thì hay vậy chứ với tuổi của chú có biết cái gì là ăn với học mà
nhận định, tất cả đều do người Cậu quyết định và đó như là một nhân duyên. Ngày
chú Như được Sư phụ cho nhập môn vào Pháp Bảo đó là ngày khoảng giữa mùa Xuân
năm Mậu Dần (1998). Lúc mới vào do bất đồng âm giọng vì khác địa phương,
chú nói gì cũng không ai nghe và ngược lại ai nói gì chú cũng không hiểu. Trong
chùa lúc đó huynh đệ ai cũng lớn chỉ có chú Tâm là nhỏ nhất, chú Tâm vào chùa
khoảng trước đó 2 năm, trong chùa chỉ có chú Tâm là ngang vai ngang lứa và từ
đó hai chú nhỏ ghép vào như một cặp đôi, từ đi học cho đến đi chơi hai chú đều
có mặt. Lúc đó hai chú nhỏ còn để chỏm tóc, cứ mỗi lúc hai ông nhỏ chọc giận,
Sư thúc cầm hai tay hai cái chỏm kéo hai ông nhỏ đi quanh chùa. Hai chú cũng
luôn luôn là nhân vật chính để cho cô Chín ca cẩm đủ điều. Sư phụ, Sư thúc, anh
em hay nhà bếp phiền hà cũng từ hai chú nhỏ này, mỗi lúc có chuyện gì Sư phụ
cũng hay nói đến câu “hai ông nhỏ ni thiệt là...”. Kỷ niệm đầu tiên của “hai
chú nhỏ” là chuyến du lịch thủy điện Duy Sơn, vào thời gian đó Công nghệ
chưa được phát triển lắm, hai chú nhỏ mượn được cái máy ảnh cơ của chị Hương
rồi gom tiền lại cùng mấy đứa bạn mua được một cuộn film Kodak, chuẩn bị cho
chuyến du lịch. Sáng sớm tinh mơ hai chú đạp xe từ Hội An lên đến thủy điện,
khoảng 9 giờ thì đến nơi, hai chú nhỏ cùng nhóm bạn bắt đầu leo núi và ghi lại
những hình ảnh kỷ niệm chuyến đi của mình. Khi leo lên đến thác thủy điện thì
cả nhóm ngồi nghỉ chân và chú Tâm hí hửng mở máy ảnh kéo dài cuộn film ra để
xem những thành quả và kỉ niệm đầu tiên vừa ghi nhận được. Chú Tâm kéo hết cuộn
film ra nhưng không thấy gì và chú tự thốt lên “sao tao không thấy chi hết
bây ơi?”. Vậy là cuộn film, cả gia tài của hai chú nhỏ và những kỉ niệm
chuyến đi đó trở thành công cốc.
Hai
chú nhỏ ngoài giờ đi học, về nhà chưa làm được chuyện gì. Ở chùa tổ hoặc các
chùa ở thôn quê, có đất để trồng dưa, trồng lúa, để cho mấy chú đuổi quạ giữ
dưa, để được gọi là “khu ô sa di”, chùa Pháp Bảo ở ngay giữa thành phố, không
có đất nên các chú cũng không được gọi là sa di đuổi quạ mà thường chỉ được gọi là “hai chú nhỏ” hay hai ông nhỏ.
Hai chú được sai làm thị giả để Sư phụ
sai vặt. Thế nhưng, hai nhỏ đâu có thường túc trực để Sư phụ sai khi cần đâu. Ngoài
giờ đi học, hai chú thường dẫn nhau trốn đi chơi games, đi ăn chè, đi đá bóng hay trốn đi
ngủ. Dưới gầm bàn thờ, gầm giường là những nơi lý tưởng để hai chú dừng chân,
lầu chuông lầu trống, tiền đường không có nơi nào không có mặt. Trận lũ lịch sử
năm 1998, trong khi Sư phụ cùng huynh đệ lo dọn dẹp, chống lũ, cả hai chú chỉ
biết giỡn chơi và tỏ ra rất thích thú khi lũ về. Sư phụ lên ghe để đi thăm viếng
bà con ở vùng lũ, hai chú ở nhà cũng đi ra bằng cổng sau để lội nước, mua bánh
chuối chiên, vừa đi vừa ăn, đùa giỡn thỏa thích mãi cho đến trưa mới
chịu quay về. Khi về đến chùa thì thấy
Sư phụ đã ngồi đợi sẵn từ bao giờ, bên cạnh có cây roi thật lớn, hai chú đều
điếng hồn. Sư phụ hỏi:
-
“Hai ông nhỏ
đi đâu về đây?”
-
Dạ, dạ… con…
Sau một hồi cà lăm, vòng vo thấy không thể chối
được, hai chú nhỏ đành thú thực là “chúng con đi lội nước lụt chơi một chút”
-
Một chút hả, hai
chú biết bây giờ là mấy giờ không?
-
Dạ, dạ…
Không thể để cho mấy chú nhỏ sinh
nhờn, khó dạy, mặc dầu thông cảm cho tuổi trẻ ham chơi, không nói gì đến chuyện
đi chơi của quý chú, Sư phụ hỏi:
-
Hai chú thuộc
Kinh Lăng Nghiêm chưa?
-
Dạ thưa rồi
-
Hai chú thuộc
kinh Di Đà chưa?
-
Dạ thưa rồi.
-
Vậy hai chú
thuộc mười giới Sa Di chưa?
-
Dạ con thuộc
rồi nhưng lâu không ôn lại nên con quên đi đôi đoạn. Cả hai chú đều cùng trả lời.
Sư phụ dạy:
Tuy vậy, trong lúc Sư phụ đi vắng không được tự động
trốn đi chơi. Muốn đi đâu phải xin
phép, cho mới được đi. Huống nữa, trong lúc trời lụt lội, nước lớn, đi như vậy
nguy hiểm lắm, lỡ sẩy chân té ngã là bị nước cuống trôi, chết. Mấy chú có sợ
cái nầy không? Vừa nói Sư phụ vừa cầm cái roi to tướng lên, đập mạnh mấy roi
xuống đất nghe đợp đợp. Hai chú lạnh điếng hồn. Tuy nhiên, Sư phụ ôn tồn bảo:
-
Hai chú lo học thuộc mười giới mai mốt Thầy dò. Lần sau không được như vậy nữa, nghe chưa?
-
Dạ, dạ…
-
Thôi, cho xuống nhà dưới ăn cơm đi rồi lo học bài. Hễ dò không thuộc
thì cho về nhà đấy.
Hai chú mừng rỡ, vội vàng cảm ơn và bước lùi mấy bước
tức thì quay lưng lại chạy xuống bếp như sợ Sư phụ đổi ý. Mấy ngày sau đó, sợ
Sư phụ dò bài nên hai ông vùi đầu lo học. Tuy nhiên, sau trận lụt thì đại nạn
cũng qua. Sư phụ lo công tác Phật sự, đi cứu trợ đồng bào thiên tai lũ lụt nên
bỏ qua luôn, nhưng có dò thì hai chú cũng yên tâm vì đã ôn lại xong mười giới.
Thời gian trôi qua, mọi việc tạm gọi là êm xuôi cho
đến gần cuối năm học thì xảy ra một việc thật nghiêm trọng. Sáng mồng 2 là ngày
họp thường kỳ của Ban trị sự. Trước khi Sư phụ đi cả hai lên thưa Sư phụ đi học,
nhưng chỉ đi ra ngoài rồi đợi Sư phụ lên xe đi Tam Kỳ thì quay về lại. Vì nghĩ
rằng những buổi học phụ đạo cuối năm cũng không quan trọng, hai chú viết giấy phép
cho nhau và giả chữ ký của Sư phụ để ký vào giấy xin phép, vì hai đứa học hai
trường nên cũng không sợ bị phát hiện. Hai chú nhỏ chỉ nghĩ đơn giản như vậy
thôi rồi cùng ôm nhau ngủ, nhưng đâu có ngờ Giáo viên chủ nhiệm của chú Như đã phát
hiện ra việc gian dối đó. Các thầy cô ở Trường Nguyễn Duy Hiệu thì quá thân
quen với Sư phụ nên nghi ngờ về chữ ký, cô liền cầm tờ giấy phép qua chùa để
hỏi nhưng Sư phụ chưa về. Hai chú nhỏ cũng dững dưng nghĩ mọi chuyện sẽ qua
thôi, đâu ngờ đến trưa Sư phụ về cô giáo điện lên, thế là mọi việc được phơi
bày ra ánh sáng. Sư phụ cũng không buồn hay tức giận gì, liền gọi chú Như lên
hỏi:
-
Sáng nay chú
có đi học không?
-
Dạ thưa Không.
Chú Như lí nhí trả lời.
-
Vậy ai viết
giấy phép cho chú?
-
Dạ con tự viết.
Chú lại lí nhí
-
Ai ký giấy phép cho chú?.
Lúc
đó chú Như làm thinh không biết trả lời thế nào.
-
Chú có biết
giả chữ ký người khác là bị pháp luật bắt đi tù không? Giờ chú có muốn đi ở tù
không?
Nghe
Sư phụ nói như vậy mặt mày chú Như tái mét vì run sợ.
Sư
phụ hỏi tiếp: “Vì sao Thầy nuôi cho chú đi học mà lại không đi học? Hay chú
muốn ở nhà đi giữ bò, vậy thôi mai mốt Thầy mua cho chú mấy con bò rồi cứ mỗi
sáng dẫn ra vùng đất ngoài gần Chùa Phước Lâm, Chùa Chúc Thánh cho nó ăn rồi
chiều dẫn về, như vậy để đỡ tốn tiền đi học và có thêm kinh tế cho chùa”.
Sư
phụ lại tiếp: “Bây giờ chú muốn đi học hay đi giữ bò?”. Chú Như không
một chút suy nghĩ liền trả lời: “Dạ con muốn đi học”. Sư phụ giảng cho
chú suốt cả buổi chiều hôm ấy về vấn đề học hành và sự nghiệp trong tương lai.
Tất
cả những lời Sư phụ dạy rồi cũng như nước đổ lá môn. Hai chú nhỏ luôn luôn gật
đầu dạ lịa mỗi lúc Sư phụ dạy bảo, nhưng rồi cũng chứng nào tật đó. Sư phụ dạy
Kinh, Luật thì hai chú luôn ngủ gà ngủ gật, dò bài thì lúc thuộc lúc không. Làm
sao mà thuộc được, mỗi lúc Sư phụ vắng nhà hay nghỉ trưa thì hai chú tha hồ đùa
giỡn, gần đến giờ Sư phụ dậy thì mới lấy sách vở ra học lua đôi ba dòng để đối
phó mỗi khi Sư phụ dò bài.
Lúc vui vẻ hai chú nhỏ chơi đùa với nhau rất thân mật,
nhưng cũng có những lúc xích mích, gây gổ lẫn nhau, đưa đến đánh lộn, cũng trầy
da, u đầu, không biết bao lần Sư phụ đã kêu lên dạy bảo.
Thời
gian thấm thoát trôi, hai chú nhỏ cũng lớn lên trong vòng tay yêu thương của Sư
phụ và các huynh đệ. Hai chú bây giờ đã lớn khôn, chững chạc hơn nhiều, rồi
được Sư phụ cho theo học các trường từ Trung cấp Phật học cho đến Đại học. Tuy
hai chú nhỏ có một thời thơ ấu gắng bó bên nhau và những kỷ niệm thật khó quên
nhưng đến tuổi trưởng thành do mỗi người có một chí hướng riêng nên mỗi người
đã bước theo con đường duyên nghiệp rang buộc, đẩy đưa. Khi lên Trung cấp thì
mỗi chú học một trường, hai chú nhỏ dần dần tách rời nhau. Thấm thoát vậy mà đã
trên 10 năm, chú Tâm bây giờ đã yên bề gia thất còn chú Như vẫn tiếp tục bước
đi trên con đường đã chọn. Hai chú nhỏ của quá khứ giờ này mỗi người một hình
thức khác, công việc cũng khác. Tuy việc đời chú Tâm có vẻ tất bật hơn nhưng
hai chú thỉnh thoảng cũng gặp nhau tại mái chùa Pháp Bảo. Những câu chuyện hàn
huyên của hai chú trong hiện tại là mái chùa Pháp Bảo, nhắc lại những công ơn
dưỡng dục của Sư phụ và những quá khứ vui buồn, những đòn roi mỗi lúc Sư phụ
hay các Sư huynh “thương tưởng”. Tất
cả những cái đó giờ đây trở thành những kỷ niệm của một thời thơ ấu êm đềm dưới
“mái chùa xưa”. Hai chú nhỏ luôn thầm khắc ghi những lời giáo huấn của Sư phụ,
vì càng lớn lên mấy chú mới thấy được giá trị những lời của Sư phụ ngày nào,
nhất là chú Tâm, những bài giáo lý đầy nhân nghĩa, từ bi, nhẫn nhục… của sư phụ
đã là những chất liệu quý báu giúp chú thành đạt ở đời. Mỗi lúc “hai chú nhỏ” có cơ hội ngồi lại với nhau
thì như là những kỷ niệm xưa ùn về trong tâm trí khiến cho hai chú cứ tranh
giành nhau phát biểu như sợ người kia nói hết.
THÍCH
THÔNG MINH
J
Trả lờiXóa