Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Tìm hiểu thêm về vùng Càng - sưu tầm




           Hải Lăng nằm cuối cùng về phía Nam của tỉnh nhà, giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên Huế. Thưở các vua Hùng dựng nước thì đây là phần đất của bộ Việt Thường(một trong 15 bộ của nước Văn Lang). Thời nhà Hán thống trị là phần đất của quận Nhật Nam. Sau đó thuộc địa phận vương quốc Chămpa ở phía Nam. Theo sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, năm 1306, vua Chiêm dâng châu Ô và Rí làm sính lễ xin cưới Huyền Trân Công Chúa, đất này đổi tên thành châu Thuận và trở thành lãnh thổ nước Đại Việt. Năm 1805, vua Gia Long năm thứ 3 đặt tên là Hải Lăng.
          Hải Lăng có 7 càng, chủ yếu nằm cuối nguồn dòng Ô Lâu, khu vực giáp ranh với địa giới tỉnh Thừa Thiên Huế. Giống như Cù lao ở đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ, vùng càng là những ốc đảo nhỏ nằm cách xa đất liền, đây là vùng đất thấp trũng trung bình - 0,30m đến 0,80m, có nơi -0,1m.
Càng Hưng Nhơn

          Tại sao vùng đất này có tên là càng ?  Dân gian có rất nhiều điển tích. Theo các cụ cao niên, ngày xưa những người đi khai khẩn xuôi theo dòng Ô Lâu thì gặp những vùng đất màu mỡ nổi lên giữa mênh mông nước. Các vùng đất này đều có địa thế hình như cái càng cua đang hướng ra biển, lưng hứng phù sa do các con sông Ô Lâu, Ô Giang bồi đắp. Họ lên bờ và dựng những túp lều mặt hướng ra sông, sau lưng trồng cây chắn gió gọi là: “Tiền giang, Hậu bạng”.. Hiện ở càng Hưng Nhơn, xã Hải Hoà vẫn còn miếu thờ có ghi câu đối nhớ ơn tiền nhân đến đây khai khẩn: “Tiền nhân khai phá ma lâm xứ - Hậu thế bảo tồn Vĩnh Hưng thôn”, tạm dịch là ( Người đi trước khai khẩn chốn rừng thiêng- Thế hệ cháu con gìn giữ mảnh đất Vĩnh Hưng). Càng có nghĩa là càng con cua, cũng là kềm, giữ. Tên xóm càng từ đó mà thành.
Đường vào Càng Hưng Nhơn

          Trước kia, gọi chung là xóm càng, nay người ta lấy tên làng ghép vào thành tên riêng từng càng để phân định địa giới hành chính. Càng An Thơ, càng Hưng Nhơn thuộc làng An Thơ, làng Hưng Nhơn, xã Hải Hoà, càng Mỹ Chánh thuộc làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, càng Trung Đơn thuộc làng Trung Đơn, xã Hải Thành, mỗi càng ít nhất trên 30 hộ dân bám trụ làm ăn sinh sống...
Khi chưa có tuyến đê bao kiêm chức năng giao thông thì vùng càng cách biệt hoàn toàn với đất liền, muốn đến càng bằng một phương tiện duy nhất- Đò chèo
Càng Hội Điền

.    Người dân vùng càng sống trong sự thách thức của thiên nhiên. Một năm chỉ được 8 tháng sống trên đất liền, nghĩa là thời gian đó họ được tham gia giao thông đường bộ, 4 tháng còn lại thì tất cả nhà cửa ruộng vườn đều ngập trong nước lũ, lúc đó mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trên chạn nhà, mái nhà và giao thông hoàn toàn bằng đường thuỷ. Giữa mênh mông nước ấy người ta vẫn ra đồng nhưng…để đánh bắt cá tôm. Họ chung sống thuận hoà với lũ, bởi lũ là nguồn phù sa vô tận bồi đắp cho ruộng đồng thêm màu mỡ. Lũ mang về nguồn lợi thuỷ sản quý giá.
Đánh bắt cá ở vùng Càng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét