Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Ô Lâu quê mình - Sưu tầm

Ô Lâu quê mình

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có bài hát rất hay về con sông quê. Có lẽ quê của ông ở một vùng trung du Bắc Trung bộ nơi những dòng sông bắt đầu với thượng nguồn. Sông Ô Lâu chảy qua làng mình là đoạn cuối trước khi đổ ra Cửa Lác để hòa vào phá mẹ Tam Giang. “ Lớn lên từ sông-úp mặt vào sông”, câu thơ của thằng bạn học bây giờ là thi sĩ đất phương Nam chất chứa tâm trạng của những đứa trẻ quê lớn lên cùng sông quê.Trên đoạn sông này có địa danh Cút Bồ Ngược gắn liền với câu ca” sợ phá Tam Giang” chính là sợ cái Cút này. Cũng chẳng ai giải thích được vì răng đoạn sông Ô Lâu này lại có cái tên lạ thế. Tương truyền ngày trước thuyền bè qua đây đều phải khấn vái Hà bá cầu mong yên bình… Sau này mình thấy Cút Bồ Ngược cũng bình thường; mấy thằng bạn chăn trâu của mình cưỡi trâu bơi qua bơi lại như chơi.

Xuôi dòng Ô Lâu ( Sông Ô Lâu đoạn di qua QL 1A)

Từ nhà mình đến sông Ô Lâu phải đi qua một đoạn đường chừng cây số  là những bờ ruộng,bến đò và đến bợt rào( sông). Cách một đoạn sông không biết từ bao giờ dân làng đào một con hói và tạo thành một cái bến đò: bến Đa, bến Bù, bến Đình, bến Ông Minh, bến Chợ, bến Đồng Dạ. Trong các bến này, bến Chợ là
bến đò chính nơi xuôi ngược những chuyến đò đi Huế, Mỹ Chánh, Ưu Điềm…Các bến còn lại chủ yếu là nơi ra vô của những chiếc ghe nhỏ đánh cá;chỉ tấp nập khi ngày mùa tới khi những chiếc ghe vàng ươm màu lúa chín mới gặt  từ cánh đồng bên kia sông về nhà. Lại nói về cánh đồng bên kia sông Ô Lâu, người làng gọi là bên Cồn. Cũng là những cánh đồng thôi nhưng dân làng lại có nhiều tên gọi khác nhau; những thửa ruộng nhỏ ven đường làng được gọi là Trưa má; ruộng ở bên này sông là ruộng Nội điền; ruộng bên kia sông là Cồn. Mà ở bên Cồn mỗi cánh đồng lại có những tên riêng: Cồn Đùng,Cồn Nẩy, Ruộng ông Cổ Câu, Hai mươi mậu, Hói Mít…Đó là những cánh đồng lúa rộng mênh mông, phì nhiêu; hồi trước mình vẫn lên ghe qua sông theo ba mạ đi cày, cấy, tát nước rồi cắt lúa ở ruộng Cồn. Làng mình có hai cái miếu thờ hai người có công trạng với làng về mở mang ruộng đất đó là miếu ông Xạ và miếu mụ Bà. Ông Xạ lên làm rễ làng trên được giao sổ sách về điền thổ nên bớt của làng vợ cho làng nội ít ruộng bên Cồn; còn mụ Bà là con gái làng mình về làm dâu làng dưới; một lần đi chợ về thấy cục đá làm ranh giới phân chia hạn điền hai làng bà lận cục đá vào lưng quần kéo đi một đoạn khá dài để làng mình được thêm mấy chục mẫu ruộng bên sông.   Bây giờ, dân làng vẫn hương khói cho hai ngôi miếu này mỗi dịp lễ, tết…
Làng quê yên bình bên dòng Ô Lâu
Thuở nhỏ, lũ con nít xóm mình hay rủ nhau: “Ra bợt rào câu cá tụi bây ơi!”. Mỗi lần ra bờ sông thích nhất vẫn là những âm thanh rào rạt của những con sóng nhỏ vỗ vào mấy rặng cây cổ thụ ven sông. Dòng sông những ngày hè trong mát và vô tư chảy ngây ngất theo trí tưởng tượng non nớt của trẻ thơ.Cũng trong cái nhìn con trẻ, mình đã nghĩ oan cho dòng sông. Đó là những trận lụt to ngập đường, tràn sân và vô nhà. Những cư dân sống nước co ro trên những chiếc đò tấp vô xóm mình. Lúc đó mình cứ đinh ninh rằng: chính dòng Ô Lâu là tác nhân gây nên cơn lụt, nếu nước sông không dâng lên thì làm răng nên cơn lụt mỗi năm được(?)…Ý nghĩ đó cứ theo mình lớn lên đến khi học bài Địa lý biết về chuyện phá rừng gây nên lũ lụt thì sông mới được giải oan…
Sông Ô Lâu là hình ảnh mẹ tảo tần hôm sớm mấy mớ rau theo đò ngược sông chợ Ưu Điềm, Mỹ Chánh nuôi con. Sông là nơi mình xuống đò vô Huế trọ học với nhiều ước mơ nhưng trên hết là làm vui lòng ba mẹ… Sông Ô Lâu  mãi  hiền hòa với xóm vạn chài hiền lành, chất phác. Mình nhớ nhất mấy buổi mùa đông mưa lạnh trên sông ngồi trên con đò nhỏ đậu giữa sông với cút rượu, con cá nướng bếp lửa hồng và mấy đứa bạn học xóm vạn và nghe như từ xa vắng tiếng gõ mạn thuyền đánh cá: ” lòng còng, lòng còng cá nhảy vô tròng”.
Theo Trt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét