'Miền Tây' của Quảng Trị: Về càng bắt chuột bẫy cò
Có người lý giải, dân vùng càng giỏi bắt cá, bắt chuột, bẫy cò là cũng vì thiếu ăn nên những bậc khai khẩn đã tự rèn kỹ năng bắt, bẫy rất điêu luyện. Đến tận bây giờ, dù đã no đủ hơn xưa, nhưng những ngón nghề cũ đã ăn vào máu thịt.
Xứ sở cò hương
Nói vùng càng là xứ sở của cò quả không ngoa một tí nào. Bởi từ càng Cây Da, Hưng Nhơn đến những càng sâu hơn như Câu Nhi, Mỹ Chánh... nhìn trên trời, dưới đất, đâu cũng thấy rợp bóng cò. Cò trắng, có xám, cò đen, đủ cả.
Cò lượn lờ rồi đáp trên những mô đất ở ngoài đồng, sục chiếc mõm dài xuống đất tìm tôm cá rồi lại tung cánh lên không. Cò đậu trên những cành tre kẽo kẹt, loại cây là “thành lũy” của càng, để tỉa tót, rũ bớt nước trên “bộ cánh” đầy lông lá. Hay cò đứng buồn thiu, lặng im trong lồng, nơi góc sân nào đó của người dân vùng càng, chờ phút giây được... hóa kiếp.
Nhưng ở giữa đồng, cũng có những con cò trắng muốt, cổ vươn cao, đứng thành từng đàn, bất động cả mấy tiếng đồng hồ. Đừng nhầm lẫn, cò không có khả năng “đứng tấn” lâu đến thế mà đó chỉ là những con... cò giả. Chúng đứng đó để “câu” những con cò thật sà xuống và sập bẫy.
Theo ông Nguyễn Dũng, trưởng càng Cây Da (xã Hải Thọ, H.Hải Lăng) thì có đến 30% trong số dân cư của càng này sống nhờ nghề bẫy chim cò, trong đó làm nhiều và “nổi tiếng” nhất là hộ ông Phúc và ông Quốc. Tìm nhà ông Quốc, tay “sát cò” nức tiếng càng Cây Da không khó. Phần vì nhà ở ngay đầu càng, phần vì vừa tới ngõ đã thấy lông cò bay tứ tung. Tiếc là ông Quốc đã ra đồng đặt bẫy cò, chỉ để lại ở nhà vài con cò giả và hơn chục con cò thật bị nhốt trong lồng. Con gái ông Quốc, chừng 15 tuổi, nhanh nhảu khoe: “Từ tháng 8 đến tháng 12, cha cháu ngày nào cũng đi bẫy cò. Sáng sớm cha đưa cò giả ra các cánh đồng đặt bẫy, chập tối lại đưa cò về, cả cò giả và cò thật. Ngày hẻo chỉ được vài con nhưng ngày trúng thì bẫy dính cả mấy chục con”.
Con gái ông Quốc tỏ ra rất rành về “ngón nghề” của cha, khi giới thiệu cho chúng tôi hình hài, cấu tạo của những con cò giả. Em cho biết, thân cò được uốn bằng tôn, cổ cò làm bằng gỗ; khi ráp lại ra hình hài, con cò sẽ được quét sơn màu trắng hoặc màu xám, mỏ được sơn vàng. “Khi được đưa ra đồng, con cò giả sẽ được gắn thêm một cọc tre để cắm xuống đất. Xung quanh vị trí cò giả đứng đã được đặt rất nhiều bẫy. Chỉ cần cò thật đậu xuống là dính thôi”, cô bé nói.
Theo tìm hiểu của người viết, trước đây, việc bắt, bẫy cò chủ yếu phục vụ ăn uống trong nhà nhưng về sau việc này đã thành một nghề, và con cò hương đã trở thành... thương phẩm, sau khi vặt lông, được bán ở chợ với giá 20.000 đồng/con. Mùa lũ về, cò cũng theo về, việc đánh bẫy cũng nhiều lên. Nhưng không phải ai cũng muốn những chú cò... phải chết, đặc biệt là những cụ cao niên trong xóm càng. Họ lo sợ rằng, đến một ngày nào đó, đàn cò không về nữa.
Chuột đồng lên mâm
Nhiều người bảo, về vùng càng Hải Lăng mà chưa xắn quần đi bắt chuột ngày lũ, chưa thưởng thức món thịt chuột béo ngậy thì coi như... chưa về. Chuột phá hoại mùa màng nên việc “tiêu diệt” chuột không chỉ là trách nhiệm của dân nhậu mà của già trẻ, gái trai vùng càng.
Chuột đồng thường sống trong các hang hốc bờ ruộng, mỗi khi lũ tràn về, chúng chạy tán loạn. Có con béo nung núc vì sợ quá mà vỡ mật, ngất giữa những lùm cỏ, có con nhanh chân tót lên được những ngọn tre cao ẩn nấp. Nhưng hầu hết đều mất mạng trước những chiếc đoọc (dụng cụ để bắt chuột của người dân vùng càng, có hình dạng như mũi tên nhưng lớn hơn, làm bằng thanh tre, gắn mũi nhọn ở đầu; khi sử dụng sẽ dùng tay phóng đoọc về phía trước) của những tay “săn chuột” lành nghề.
Về càng mùa lũ không lo thiếu mồi. Nếu gặp bữa chim cá chưa bắt kịp, gia chủ chỉ cần cầm đoọc đi lững thững ra ngoài bờ tre, ngó nghiêng, phóng đoọc, kiểu gì cũng có dăm ba chú chuột “chạy lụt” trên đó được hóa kiếp. Cách đây 4 năm, khi có công chuyện phải vào càng Cây Da, lần đầu tiên tôi ăn thịt chuột. Thú thực, cái cảm giác được ngồi chồm hổm trên ghế đẩu, dưới chân là nước lụt, gắp miếng thịt chuột, nhắp chút rượu nếp quả là... số một! Thế nên dân càng mới có câu “nhất chuột mập, nhì ngập lũ”.
Để bớt ngán, dân vùng càng chế biến chuột đồng theo nhiều cách rất sáng tạo. Sau khi chặt đầu, chân, đuôi, đưa lên thui lửa rơm cho phần da vàng rộm, chuột đồng thường được chặt nhỏ, tẩm ướp các loại gia vị (hạt tiêu, gừng, sả) rồi có thể: kho, hầm, rô ti. Chuột đồng cũng có thể được bọc lá ré, lá lốt để làm món nướng xiên trên lửa rơm, rất thơm ngon.
Giống như con cò, chuột đồng vùng càng mùa lũ đã trở thành một món hàng hóa. Tại xã Hải Hòa, có cả một cái chợ chuột hoạt động liên tục từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Tới đây, người mua chỉ cần chỉ tay, chọn con nào, tiểu thương sẽ làm thịt, thậm chí ướp gia vị tại chỗ. Trung bình mỗi con chuột có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng. Vì “thương nhớ” món nhậu khoái khẩu này nhiều nhà hàng ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình cũng khăn gói vào vùng càng để thu gom chuột đồng. Nên chuột vùng càng đã trở thành một thương hiệu.
Nguyễn Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét