Mùa đi bung ống
(Dân trí) - Khi nắng mùa thu lướt vội qua tay, miền Trung bắt đầu mưa gió dầm dề, trời cũng vừa se lạnh, ấy là lúc người dân quê tôi rộn ràng đi bung ống.
Bung ống, thổi ống hay
xay ống là cụm từ quen thuộc mà quê tôi thường dùng để chỉ việc xay kẹo
ống gạo, nhiều nơi khác gọi là bỏng gạo.
Xóm nhỏ nằm ven lộ đã
quá quen với cảnh người chen chúc chờ tới lượt mình bung ống ở nhà chú
Sáu. Một chiều đầu đông, chú Sáu vui vẻ lấy tấm biển bằng gỗ, bên trên
sơn trắng dòng chữ “thổi ống” rồi cắm trước quán xay gạo. Cái tấm biển
ấy dễ chừng cũng đã gần chục năm, gỗ bắt đầu mục đen, nhưng dòng chữ vừa
được sơn mới nên sáng trưng, rõ ràng.
Đám con nít bắt đầu xôn
xao, chờ đi học về là chạy tuốt lui sau nhà, xin mẹ vài lon gạo, gói mì
tôm, ít đỗ xanh, ngô, đường rồi í ới gọi nhau đi thổi ống.
Lúc ngồi chờ tới lượt, cả chủ
cả khách cười nói rôm rả, từ chuyện cơn bão năm này đến cơn lũ năm kia,
từ chuyện đám cưới trong xóm đến chuyện nhà nọ có con đi du học. Đám
con nít thì mân mê những hạt gạo, dám chừng thòm thèm, chờ đợi giây phút
gạo thành ống kẹo.
Dưới tiếng máy nổ chạy
xình xịch, dì Mỹ trộn đều các thức gạo, đỗ mà khách hàng chuẩn bị sẵn
rồi cho vào lỗ nhỏ. Chú Sáu cầm cái kéo ngồi chờ sẵn, gạo qua máy, qua
lỗ bé tí ấy là chảy ra thành ống kẹo nghi ngút khói. Lúc này, chú bắt
đầu ung dung cắt thành những ống vừa tầm cái thước kẻ.
Người nào người nấy ngồi chực sẵn, chờ ống kẹo vừa cắt ra là hì hụi vừa thổi vừa cho vào bao. Chốc sau, chỉ vài lon gạo đã được một bao đầy ống.
Mùi của gạo, của ngô,
của đỗ xanh tỏa ra thơm lừng. Nhà ai trót bỏ nhiều đường thì ống gạo xay
ra nhỏ tí, có khi còn bị cháy đen thui, dì Mỹ phải cập rập lấy gạo đổ
thêm không kịp. Những ống gạo màu trắng nhưng ai thêm nhiều ngô thì có
màu vàng nhạt, nhiều đỗ xanh thì ống lại có màu xanh dịu.
Tất cả vị đồng quê trộn lẫn thành một thứ quà ngon ngọt chẳng thể lẫn vào đâu. Cho ống vào miệng nghe giòn rụm, ăn giòn tan vui tai.
Mệ già hàm răng đen
nhánh, cầm ống hít hà rồi cho vào miệng ăn ngon lành. Mệ cười hiền, ăn
bánh kẹo đắt tiền mà lo chất bảo quản, chứ cứ ăn thứ ống như mình đây
thì lo gì.
Đám con nít ở làng khác
thường đội mưa đội gió đạp xe đi bung ống. Đứa nào đứa nấy cầm bao ống
đi về, treo lủng lẳng sau xe đạp mà mặt mày hớn hở đến thương. Nhiều dì,
nhiều mệ cũng tay xách cả bao tải ống, khấp khởi ra về. Thứ quà này khi
xay ra rỗng nhẹ bên trong, nên nhác thấy ai vác cả bao tải đằng sau mà
nhẹ bẫng là biết ngay vừa đi bung ống.
Trong làng, chỉ có nhà
chú Sáu làm nghề này. Vợ chồng chú sắm cái máy rồi ngồi đây bung ống
cũng hơn mười năm nay. Chú cười khề khà, vui vì nhiều người còn mê thứ
quà quê này, đặc biệt là đám con nít.
Cứ mỗi ngày mưa, chú
Sáu và dì Thủy lại làm không ngơi tay. Mùa nông nhàn, lại mưa lớn, ở nhà
buồn miệng nên già trẻ, lớn bé bắt đầu rủ nhau đi bung ống. Tiền xay
ống lại khá rẻ, chỉ một ngàn trên một lon gạo. Bởi vậy, trời càng mưa
dầm dề, người đi bung ống càng nhiều là vậy.
Bạn đi du học ở xa,
thấy ai đó chụp ảnh những ống gạo quê mình đưa lên mạng xã hội nên nhớ
quay quắt. Chỉ ước được về nhà mùa này, nằm trong chăn ấm với mấy chị em
rồi nhấm nháp ống gạo.
Bạn ở thành phố, bảo ở
đó cũng có bán sẵn, nhưng cái vị ống không như ở quê. Có lẽ, bởi ống gạo
bé xíu này chất chứa cả hồn quê trong đó, là tinh hoa từ gạo, từ đỗ, từ
những sản vật bình dị đã lớn lên trên đất quê mình. Thế nên, ống gạo và
ký ức những ngày đi bung ống sẽ còn mãi trong tuổi thơ của bao đứa trẻ
quê nghèo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét