Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

BÀI ĐĂNG TRÊN BÁO QUẢNG TRỊ NGÀY 29-12-2011


Năng nhặt chặt bị
(http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=58&modid=380&ItemID=51177)

Ngày cập nhật: 29/12/2011 7:32:35 SA



(QT) - Không nhiều những ý tưởng lớn lao, không có xuất phát điểm vững chắc, chỉ từ đôi tay và nghị lực sau hơn 25 năm chung sống, vợ chồng anh Lê Ngọc Hiếu và chị Nguyễn Thị Chi ở thôn Hưng Nhơn, xã Hải Hòa, Hải Lăng (Quảng Trị) đã tạo dựng được một cơ ngơi khang trang và ba người con học hành đến nơi đến chốn.

Anh chị là người cùng làng, đều sinh trưởng trong gia đình làm nông nghiệp nên lúc ra ở riêng tài sản của hai vợ chồng chỉ có mấy sào ruộng và đôi tay biết cày sâu cuốc bẫm. Ngày mới cưới, cuộc sống nhiều khó khăn đôi vợ chồng trẻ chỉ biết động viên nhau làm lụng để xây dựng cuộc sống.

Ngoài làm ruộng chị tranh thủ thời gian rảnh ở nhà chằm nón còn anh thì chạy quanh phụ việc cho nhà người ta. Nhớ lại những ngày đầu mới bắt tay vào xây dựng cuộc sống gia đình, chị Chi nghẹn ngào kể lại: “Hồi đó chúng tôi vất vả lắm, chồng làm thuê làm mướn cho khắp cả xã này, ai kêu gì làm nấy, cuốc đất, đào ao, cày bừa việc gì cũng làm; còn tôi thì vừa trông con nhỏ vừa tranh thủ chằm nón kiếm thêm đồng ra đồng vào”. 
Anh Hiếu kiểm tra, bảo dưỡng máy gặt sau vụ thu hoạch.



Hai vợ chồng trẻ có sức vóc nên ngoài số ruộng được cấp anh chị còn thuê thêm ruộng để làm. Tuy chỉ hai vợ chồng nhưng vụ nào anh chị cũng làm đến 3 mẫu lúa. Làm nhiều ruộng cộng với tiền công những tháng ngày bươn chải làm thuê làm mướn dần dần anh chị cũng tích lũy được ít vốn để làm ăn. Nhận thấy việc thu mua lúa hiệu quả kinh tế khá cao nên chị cũng làm theo mọi người.

Ban đầu, vốn nhỏ nên chị cùng mấy chị em khác chung nhau làm đến khi đã tự lực được nguồn vốn mới tách ra làm riêng. Thu mua lúa, chị để dành tiền mua được máy xay xát lúa gạo, nuôi thêm đàn gà, vịt, ngan để tận dụng nguồn cám gạo dư thừa. Nhờ lợi thế quán xay xát ở ngay cạnh đường làng, thuận tiện đi lại nên quán lúc nào cũng đông khách. Bên cạnh đó, chị Chi còn mở thêm một quán tạp hóa để bán cho bà con.

Làng Hưng Nhơn là một làng chuyên canh cây lúa nên nhu cầu cày bừa mỗi khi vào mùa rất lớn, vì vậy anh chị đầu tư mua máy cày về làm dịch vụ phục vụ bà con. Chăm chỉ lại biết tận dụng các nhu cầu của bà con nên các khoản đầu tư của anh chị đều mang lại kết quả khả quan. Khi máy gặt đập liên hợp mới xuất hiện trên thị trường, anh chị đã gom góp số tiền tích lũy được và vay thêm ngân hàng được hơn 200 triệu đồng để mua máy. Đến nay, sau hơn ba năm sử dụng anh chị đã thu hồi được vốn đầu tư, trả nợ ngân hàng và bắt đầu thu lãi.

Đi lên từ đồng đất ruộng vườn, không ngại khó khăn nên vợ chồng anh Hiếu đã có được một cơ ngơi ổn định. Hiện nay, mỗi năm anh chị thu về gần trăm triệu đồng. Nhìn lại những thành quả lao động của mình, anh Hiếu tâm sự: “Vợ chồng tôi đều là nông dân nên làm gì cũng dựa vào đồng ruộng. Những thành quả đạt được hôm nay là công sức của cả gia đình trong hơn 25 năm làm lụng. Mọi thứ không có sẵn mà chính chúng tôi phải nhặt nhạnh, dành dụm suốt thời gian dài. Và đây cũng là bài học mà vợ chồng tôi dạy các con trong bước đường lập thân, lập nghiệp sau này”.

Không chỉ chăm chỉ làm việc, anh chị còn tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể của địa phương. Nhờ hoạt động tích cực và cuộc sống gia đình hòa thuận mà chị Chi nhiều lần được Hội Phụ nữ xã tặng giấy khen. Năm 2011, gia đình anh chị còn được UBND xã Hải Hòa khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế và xây dựng gia đình văn hóa.

                                             Bài, ảnh: NGUYỄN LỆ XUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét